Thiên đường nghỉ dưỡng Phan Thiết có còn là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư?
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 dự án du lịch, dịch vụ du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng (trong đó có 212 dự án đi vào hoạt động). Theo thống kê, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Bình Thuận đang tăng nhanh ở cả 2 loại hình: Bất động sản nghỉ dưỡng đất nền (biệt thự, nhà phố) và condotel.
Nếu như phân khúc đất nền nghỉ dưỡng đã có những tên tuổi dự án lớn tham gia như Ocean Dunes, Vietpearl, QueenPearl Land, SeaLinks… thì ở phân khúc condotel, Phan Thiết đã và đang có Aloha, Ocean Vista… và dự kiến nguồn cung sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tiềm năng của du lịch địa phương có thể nói đang là động lực, cũng là lực hấp dẫn để bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng của Phan Thiết – Bình Thuận có khả năng đột phá.
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, từ đầu năm đến nay phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phát triển tương đối sôi động từ Bắc vào Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nhạy bén quan tâm. Trong đó, thị trường bất động sản Phan Thiết sôi động với một loạt dự án quy mô lớn được các chủ đầu tư liên tiếp tung ra thị trường. Trong đó, khu vực Kê Gà cũng đang nổi lên là một điểm đến mới của nhà đầu tư, khi chính quyền địa phương đã chính thức thu hồi dự án cảng biển nước sâu, chuyển hướng phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng.
Thời gian qua, một số dự án “chết” từ lâu cũng đã được chuyển nhượng cho những đối tác mới và tiếp tục “hồi sinh” để trở lại thị trường trong năm 2018. Điểm chung của các dự án này là tập trung vào các sản phẩm nhà phố, đất nền, biệt thự nghỉ dưỡng. Đây là hướng phát triển nhạy bén trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phát triển, hạ tầng giao thông hoàn thiện kết nối hoàn hảo đến các khu du lịch biển.
Những năm gần đây, hạ tầng Phan Thiết đã được chú trọng đầu tư phát triển. Nổi bật là tháng 2/2015, Cao tốc TP.HCM – Dầu Giây – Long Thành đi vào hoạt động đã rút ngắn quãng đường từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ. Sau khi tuyến cao tốc này được đưa vào hoạt động, doanh thu khách nội địa đến Phan Thiết – Mũi Né tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Thời gian sắp tới hàng loạt các dự án giao thông lớn đang chuẩn bị được xây dựng. Đầu tiên là dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng đã khởi công vào quý 1/2017. Sau khi dự án này đi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian từ TPHCM – Phan Thiết chỉ còn 2 giờ lái xe.
Tiếp đến, cao tốc Phan Thiết – Mũi Né – Nha Trang khởi công vào quý II/2017 sẽ đưa Phan Thiết trở thành tâm điểm của tứ giác vàng du lịch: TP.HCM – Phan Thiết – Đà Lạt – Nha Trang. Được biết, tổng vốn đầu tư của dự án này là 27.840 tỷ đồng.
Năm 2018 dự kiến sân bay Phan Thiết sẽ được đưa vào sử dụng sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Phan Thiết. Dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng.
Chính hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với các vùng kinh tế khác đã giúp Phan Thiết giữ vững vị trí điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư địa ốc
Trên thực tế, Phan Thiết phát triển muộn hơn so với các trung tâm du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang hay Vũng Tàu nhưng cũng đang cho thấy tiềm năng cho một thị trường nghỉ dưỡng mới.
Theo quan sát, hiện nay dọc bãi biển Mũi Né hầu như không còn đất trống để phát triển dự án mới.
Một số dự án nghỉ dưỡng diện tích lớn đang rục rịch triển khai đầu tư về phía cuối trung tâm Phan Thiết.
Bên cạnh hàng trăm khu resort hoạt động sôi nổi, vẫn còn đâu đó một vài dự án “trùm mền” suốt nhiều năm liền.
Những dự án bỏ hoang này cũng là tâm điểm của các thương vụ M&A tại Phan Thiết