Phải công khai “sức khỏe” nếu cho phá sản ngân hàng

Phá sản ngân hàng, dòng tiền có chuyển qua vàng, chứng khoán?

Đây là ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế Hiệp hội Ngân hàng về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đang được Quốc hội thảo luận. Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, do vậy cũng nên cho phép phá sản, tức là có “sống” thì phải có “chết”. Theo ông Đức, điều này cũng đã được quy định trong Luật Phá sản 2004, Luật Phá sản 2014 và Nghị định về phá sản ngân hàng. “Nay luật quy định rõ nên việc phá sản là tất yếu chứ không phải là được hay không”, ông Trương Thanh Đức nói.

“Về niềm tin người dân và thanh khoản ngân hàng thì nay có trường hợp bắt lãnh đạo một ngân hàng, nhưng ngân hàng đó vẫn không bị ảnh hưởng thanh khoản, thậm chí có ngân hàng bắt cả dàn lãnh đạo, thanh khoản vẫn không sao. Nhưng tất nhiên là phải thận trọng, hy hữu lắm nhiều năm mới có một ngân hàng bị phá sản. Quan trọng là phải quản lý thế nào, đừng để đi đến bước phá sản ấy”.

Luật sư Trương Thanh Đức

Tổng giám đốc một ngân hàng tầm trung có trụ sở ở TP.HCM cho biết, trước khi phá sản, ngân hàng đó đã phải qua các giai đoạn như đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chấn chỉnh… Nếu ngân hàng vẫn không khắc phục được thì buộc phải cho phá sản. Chính vì thế, ông này cho rằng đây là một quá trình phá sản từ từ chứ không phá sản ngay như doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu ở doanh nghiệp có thể sẽ xảy ra tình trạng đòi nợ tập thể và có thể các chủ nợ sẽ mất hết, nhưng với ngân hàng thì hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề hỗ trợ, giải cứu để không đổ vỡ hệ thống và gây nên tình trạng mất niềm tin của khách hàng.

Về niềm tin người gửi tiền, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cho phép phá sản ngân hàng sẽ tác động tới tâm lý người gửi tiền và hoạt động ngân hàng vì người dân có thể ngần ngại gửi tiền vào ngân hàng và dùng tiền đó đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán hay vàng. “Nếu điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng tới huy động vốn của ngân hàng”, ông Hiếu nói.

Nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 200 triệu đồng?

Liên quan tới việc giải cứu và hỗ trợ khi ngân hàng phá sản, luật sư Trương Thanh Đức đồng ý với quan điểm “có giải cứu, hỗ trợ nhưng cứu ai?”. Theo ông Đức, ở đây phải phân định rõ đối tượng gửi tiền được cứu, đối tượng gửi tiền nào được chi trả toàn bộ, đối tượng nào được chi trả 50%… để “cùng lắm cổ đông mất tiền, còn người gửi tiền không mất”.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng, khi ngân hàng đi đến bước phá sản, cần tính toán lại toàn bộ tài sản. “Những tài sản thanh lý được thì ưu tiên chi trả lương cho cán bộ công nhân viên, tiếp đến là quyền lợi người gửi tiền, sau đó mới đến các lĩnh vực khác”, ông Kiêm nói và cho rằng, với quy định hiện nay về bảo hiểm tiền gửi thì người gửi ít sẽ thiệt hại ít, còn người gửi nhiều sẽ chịu thiệt nhiều. Do đó, cần phải có phương án giảm thiểu ảnh hưởng tới đại đa số người dân, nhất là người nghèo.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức bồi thường của bảo hiểm tiền gửi khi ngân hàng phá sản chỉ ở mức 75 triệu đồng là “cơ chế tránh rủi ro”. “Tôi không đồng ý khi người gửi tiền chỉ nhận được trong giới hạn 75 triệu đồng. Khi người dân gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng phải có bổn phận bảo vệ tiền gửi ấy và trả hết lại tiền cho khách hàng”, ông Hiếu nói và cho rằng, ngoài số tiền bồi hoàn của bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền cũng nên được nhận tài sản từ khoản thanh lý tài sản sau trả nợ cho Chính phủ. “Nếu giới hạn bồi thường bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng là không hiểu nghiệp vụ ngân hàng. Cần tăng lên đến mức 4 lần GDP trung bình đầu người. Hiện tại như GDP bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 2.200 USD/năm, tương đương khoảng 50 triệu đồng thì gấp 4 lần là khoảng 200 triệu đồng”, ông Hiếu kiến nghị.

Với câu hỏi: Trước khi phá sản, ngân hàng đã trải qua các giai đoạn như cảnh báo, kiểm soát đặc biệt… kéo dài tới mấy năm, nên trong thời gian này, người dân có thể lựa chọn gửi tiền hay không gửi tiền ở ngân hàng đó? Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, khi một ngân hàng đi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt thì cơ quan chức năng không công bố. Cho nên, để người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng nào thì Ngân hàng Nhà nước nên công khai “sức khoẻ” của các ngân hàng bởi nếu xảy ra tình huống đột xuất, người dân đồng loạt rút tiền sẽ càng làm tăng tốc việc phá sản. Trong khi đó, nếu công khai thông tin, cam kết tái cấu trúc… thì trong khoảng thời gian kiểm soát, khách hàng được khuyến khích để ở lại giúp ngân hàng tái cơ cấu, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phá sản ngân hàng: Nước ngoài làm nhiều, Việt Nam còn lâu?

Bài viết mới