Bangkok Post: Việt Nam sẽ tỏa sáng trên sân khấu APEC

Dưới đây là lược dịch bài bình luận được đăng tải trên Bangkok Post hôm 31/10:

Sau hơn ba thập kỷ cải cách kinh tế, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng từ ngày 10-11/11. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và tình hình khu vực ngày càng năng động, APEC có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và chiến lược.

Việt Nam đã chuẩn bị cho sự kiện lớn này trong hơn hai năm qua với bốn mục tiêu chính. Trước hết, giữa sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ, nước chủ nhà muốn nắm bắt cơ hội này để cùng các nhà lãnh đạo APEC tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các quốc gia thành viên APEC. Cụ thể, diễn đàn sẽ phải xây dựng được nền tảng cho sự phát triển toàn cầu bền vững, bao trùm và công bằng.

Ảnh: Apec2017.vn
Ảnh: Apec2017.vn

Thứ hai, phải tiếp tục những nỗ lực nhằm giảm rào cản thương mại và tăng cường tự do hóa đầu tư khi APEC đang bước vào thập kỷ phát triển thứ tư. Nhiệm vụ này vẫn rất nặng nề do còn nhiều thách thức trong việc giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng thương mại điện tử và tự do hóa dịch vụ.

Thứ ba, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ thúc đẩy thương mại song phương để mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện đã là một trong những mạng lưới thương mại tự do lớn nhất của ASEAN, với 17 thỏa thuận thương mại tự do.

Cuối cùng, Đà Nẵng là một trong những cảng có vai trò quan trọng nhất của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo APEC sẽ thấy đây là nơi hoàn hảo để liên kết Đông Nam Á với các nước khác trên thế giới.

Ngoài hợp tác kinh tế, Hội nghị Thượng đỉnh APEC cũng đem lại cho Việt Nam một cơ hội rất đặc biệt. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Đà Nẵng, Việt Nam có thể thể hiện khả năng ngoại giao tinh tế đã giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Từ đó sẽ tác động tích cực đến các chiến lược thương mại và chính sách chung của Mỹ đối với châu Á.

Trong vài tháng qua, ông Trump đã tổ chức các cuộc hội đàm song phương với bốn thành viên ASEAN quan trọng tại Washington. Ông đã cam kết mạnh mẽ với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Singapore rằng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác cũng như tiếp tục thực hiện những cam kết về các vấn đề thương mại và an ninh. Trước đó, chính sách “Mỹ trên hết” (America First) đã làm ‘rung chuyển’ khu vực bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nước ASEAN.

Tại Đà Nẵng, ông Trump cũng sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và nhiều nhà lãnh đạo từ 20 nền kinh tế khác. Theo Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, đó là một tình huống lý tưởng đối với Hà Nội bởi các nhà ngoại giao Việt Nam luôn rất giỏi trong việc làm dịu những khác biệt và làm nổi bật những lợi ích chung của các cường quốc.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ngày 14/11 tại Philippines, thì Hội nghị Thượng đỉnh APEC và các diễn đàn bên lề hội nghị lại có thêm nhiều giá trị chiến lược đối với nước chủ nhà Việt Nam.

Thành công của APEC sẽ tăng cường mạnh mẽ vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong ASEAN. Hiện tại, Hà Nội đang chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 để ASEAN hoạt động hiểu quả hơn, tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN cũng như các mối quan hệ đối ngoại của ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN vững chắc hơn bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên cũ và mới.

Nghèo đói, bất bình đẳng cực đoan không phải do số phận, đây là 8 ý tưởng của Oxfam vì một nền kinh tế APEC lý tưởng hơn

Bài viết mới