Sáng 16/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp xử lý những bất cập tại trạm thu giá Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) theo hình thức BOT.
Tại cuộc họp, trên cơ sở rà soát việc thu giá dịch vụ và kiến nghị của đại diện UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm.
Cụ thể, loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng): Từ 35.000 đồng/lượt giảm xuống còn 25.000 đồng/lượt.
Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn): Từ 50.000 đồng/lượt giảm xuống còn 35.000 đồng/lượt.
Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn): Từ 60.000 đồng/lượt giảm xuống còn 40.000 đồng/lượt.
Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit): Từ 100.000 đồng/lượt giảm xuống còn 70.000 đồng/lượt.
Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit): Từ 180.000 đồng/lượt giảm xuống còn 140.000 đồng/lượt.
Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này. Thời gian áp dụng từ ngày 21/8/2017.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; Giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10/9/2017.
Về công tác tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện và xã có liên quan phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thống kê cụ thể các phương tiện trong khu vực được giảm giá dịch vụ theo nội dung trên trước ngày 25/8/2017.
Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông khu vực trạm thu giá dịch vụ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư dự án xây dựng phương án thu giá dịch vụ để đảm bảo các phương tiện qua trạm thuận lợi, tránh ùn tắc, đồng thời làm việc với tổ chức tín dụng, nhà tài trợ vốn cho dự án để được gia hạn thời hạn vay.
Trạm thu phí Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn km 1987+560 – km 2014+000 tỉnh Tiền Giang, khởi công từ tháng 9/2014, do BOT Tiền Giang là chủ đầu tư.
Trong đó, chiều dài tuyến tránh Cai Lậy khoảng 12 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; gia cường mặt đường quốc lộ 1 (từ xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) chiều dài 26,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 340 tỷ đồng. Dự án được đưa vào hoạt động từ ngày 1/8.
Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, đã được Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng.
Trạm thu phí đi vào hoạt động được 2 tuần thì gặp phải sự phản đối dữ dội của người dân, doanh nghiệp và tài xế do mức phí quá cao. Theo mức phí trước đó, mỗi xe qua trạm mua phí từ 35.000 – 180.000 đồng, tùy loại xe, gần bằng khoản thu phí của 50 km đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương.