Chỉ cần vào các trang mua bán online có thể thấy hàng giả được quảng cáo bán công khai, trong đó nhiều nhất là các loại đồng hồ, điện thoại, kính mắt, túi xách hàng thời trang…
Trong khi một chiếc đồng hồ Rolex xịn có giá từ vài chục triệu tới vài trăm triệu thì có thể thấy nhan nhản các cửa hàng quảng cáo bán đồng hồ Rolex trên mạng với giá chỉ 1,5 – 2 triệu đồng/ chiếc; hay một chiếc điện thoại hiệu Vertu chính hãng rẻ nhất cũng khoảng 100 triệu thì nhiều cửa hàng chỉ bán hàng nhái với giá khoảng 5- 7 triệu đồng một chiếc.
Nhưng hàng giả phổ biến nhất phải là các loại quần áo thời trang, mỹ phẩm, hoa quả, hàng nông sản bởi nhu cầu các mặt hàng này rất lớn.
Nếu với các loại đồng hồ, điện thoại hàng hiệu, khi chấp nhận mua một chiếc đồng hồ Rolex với giá 2 triệu; chiếc điện thoại Vertu giá 5 triệu hay chiếc túi xách LV với giá chỉ có 1- 2 triệu đồng thì người mua cũng thừa biết là hàng “fake” và chấp nhận thì với các loại quần áo, mỹ phẩm, nông sản, thực phẩm của các doanh nghiệp trong nước cũng luôn có nguy cơ mua phải hàng giả bởi những năm gần đây, khi người tiêu dùng có tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt là ở ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi thì những người kinh doanh đã sẵn sàng lấy hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.
Tháng 2-2017, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) đã tổ chức công bố kết quả điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2016 và tham vấn cho bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm.
Kết quả điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2016 được dựa trên việc thực hiện khảo sát gần 16.000 người tiêu dùng tại 12 tỉnh, thành trong cả nước với các sản phẩm thuộc 37 ngành hàng cùng gần 3.000 doanh nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy điều đáng ngại nhất là xuất hiện không ít doanh nghiệp không sản xuất mà chỉ nhập nguyên liệu của Trung Quốc rồi dán nhãn mác tung ra thị trường.
Hải quan bắt giữ lô hàng gạch men có xuất xứ Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam.
Trung Quốc là đại công xưởng của cả thế giới, vì vậy việc hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng dán mác của Việt Nam hay các nước việc rất… đơn giản, miễn là có người đặt hàng. Chúng tôi đã từng sang các trung tâm thương mại ở Quảng Châu viết bài về mỹ phẩm giả và không khỏi bất ngờ khi được tiếp thị rằng bất cứ sản phẩm nào, từ mỹ phẩm, quần áo… chỉ sau 10- 15 ngày cung cấp mẫu mã sẽ được các xưởng sản xuất trả hàng theo đúng yêu cầu.
Mới đây nhất, từ tháng 6 đến tháng 8-2017, qua khám xét nhiều lô hàng nhập khẩu theo loại hình quá cảnh từ Trung Quốc về cảng Cát Lái -TP Hồ Chí Minh đi Campuchia trong diện nghi vấn, Đội 4 Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan và các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều container hàng hóa là quần áo, giày, điện thoại, đồng hồ… giả các thương hiệu nổi tiếng, có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trên sản phẩm lại ghi “Made in Vietnam”.
Còn tại Hà Nội, năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện gần 1.500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó có nhiều mặt hàng may mặc, hàng tiêu dùng, nông sản nhập lậu từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt để tiêu thụ.
Tháng 7- 2016, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ hàng trăm sản phẩm quần áo giả nhãn hiệu Việt Tiến tại 5 cửa hàng bán quần áo trên địa bàn TP Biên Hòa.
Thời điểm kiểm tra, hàng trăm sản phẩm quần áo may sẵn có gắn nhãn hiệu và logo của Công ty May Việt Tiến. Công ty May Việt Tiến đã khẳng định toàn bộ số quần áo nói trên là giả nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Tháng 8-2016, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam trên cơ sở khảo sát tại 12 tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả cho thấy hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2015 (chiếm 56%).
Những nhóm hàng hóa, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua là: Thực phẩm, nước giải khát; đồ điện tử gia dụng; hàng hoá tiêu dùng thường ngày khác; điện thoại, viễn thông; thời trang, trang sức…
Để chống hàng giả hiệu quả, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp thực tế; xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực quản lý. Các doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu của mình, áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.