Ngày nay, khi mức sống được nâng cao cùng với sự phát triển của công nghệ, người dân tiếp cận dịch vụ y tế khá dễ dàng. Có người hễ ho hen chút – đi chụp hình cái phổi; nhức đầu chút – xin chụp hình kiểm tra cái xoang; ngồi lâu đau lưng, ê mông, căng đùi, mỏi chân – xin chụp từ trên xuống dưới.
Rồi bạn nhìn quanh, ái chà, thấy ai chụp xong cũng vẫn đi đứng, nói cười phà phà, cũng chả ai than phiền bị “sứt mẻ” gì sau khi chụp X-quang vậy thì sợ gì?
Vậy thực hư thế nào? Chụp X-quang nhiều có an toàn với sức khỏe của bạn không? Tia X có gây bệnh về da, gây ung thư da và các ung thư khác không? Tia X có gây vô sinh hay gây dị tật ở thai nhi không?
(Ảnh minh họa)
Trong y khoa, tia X được nghiên cứu để ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh với những quy định về an toàn bức xạ nghiêm ngặt nhằm mục tiêu sự tiếp xúc với tia X ít nhất nhưng vẫn đạt kết quả để phục vụ chẩn đoán và điều trị để an toàn cho những người tiếp xúc (bệnh nhân lẫn nhân viên y tế).
Nguy cơ gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng của tia X là có nhưng là với hàm lượng tia nhiều, cường độ mạnh và thời gian tiếp xúc với tia X kéo dài.
Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân chúng ta, khi chụp X-quang mọi người cần lưu ý những điều sau:
– Không lạm dụng, không tự ý xin chụp mà nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có thực sự cần thiết để chụp X-quang hay không. Nếu bác sĩ khám lâm sàng thấy chưa cần thiết, chưa cho chụp, tốt nhất đừng nên năn nỉ ỉ ôi để chụp cho bằng được.
Và bạn nên hỏi bác sĩ, trường hợp của mình hoặc người nhà mình nên chụp hình X-quang kiểm tra khi có những dấu hiệu gì nhé.
– Trẻ càng nhỏ, người già càng lớn tuổi càng phải cẩn trọng hơn khi được bác sĩ cho chỉ định chụp hình. Khi chụp hình có thể bạn sẽ được bảo hộ bằng áo chì để che chắn tia X ở những bộ phận không cần khảo sát, không thấy thì nhớ hỏi thăm nha.
Chị em nghi ngờ có thai nên cân nhắc khi chụp x-quang
– Các chị em đang dự định sinh em bé hoặc nghi ngờ có thai nên nói cho bác sĩ biết để bác sĩ cân nhắc trong việc cho chỉ định X-quang vì trong ba tháng đầu, tia X có ảnh hưởng nhiều trên thai.
– Để tránh chụp đi chụp lại nhiều lần, cần tháo những vật cản quang như: nhẫn, vòng, dây chuyền, bông tai, chai dầu, dây nịt, kim băng, răng giả… ra khỏi vùng cần chụp. Nếu lỡ nhân viên y tế quên dặn tháo, bạn nhớ hỏi lại xem bạn có cần tháo nó ra trước khi chụp không nha.
– Cần để ý đến những hướng dẫn về cách chuẩn bị và tư thế trong lúc chụp của nhân viên để chụp một lần là được ngay tấm ảnh lung linh.
Điều lưu ý cuối cùng, tại khu vực chụp X-quang, nếu thấy đèn cảnh báo bật sáng, chứng tỏ ở đó nhân viên đang phát tia X. Lúc ấy bạn muốn mở cửa hay đi đâu làm gì thì nhớ hỏi nhân viên y tế tại chỗ. Đồng thời, những đối tượng có nguy cơ bị tổn hại cao như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già thì không nên ở khu vực chụp X-quang nếu không thực sự cần thiết.