Bài học về phát triển đặc khu kinh tế từ “phép màu Thâm Quyến”

Năm 1979, khi Trung Quốc cải cách kinh tế, mở cửa chào đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhà lãnh đạo khi đó là ông Đặng Tiểu Bình đã chọn Thâm Quyến – 1 ngôi làng nghèo xác xơ của vùng đồng bằng sông Châu Giang nằm ngay bên cạnh Hồng Kông – làm điểm xuất phát.

Kể từ đó, đến nay, Thâm Quyến từ một xóm chài ven sông chỉ có khoảng 30.000 dân nay đã chuyển mình trở thành siêu đô thị có ngành công nghiệp và tài chính phát triển vượt bậc có hơn 12 triệu dân. Được miêu tả là một “phép màu”, Thâm Quyến – đặc khu kinh tế đầu tiên được thành lập ở Trung Quốc – chính là biểu tượng cho quá trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau giai đoạn kinh tế trì trệ trước đó, năm 1978, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện chủ trương hiện đại hóa đất nước. Năm 1980, Trung Quốc ban hành sáng kiến đặc biệt về đặc khu kinh tế. Theo đó, “các đặc khu kinh tế – Special Economic Zones, SEZ” được định nghĩa là khu vực mà ở đó các doanh nghiệp sẽ được đối xử đặc biệt hơn so với các nơi khác về nhiều mặt như mức thuế và phạm vi hoạt động để có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài và những công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ quá trình hiện đại hóa.

Cùng với Luật liên doanh ra đời 1 năm trước đó cho phép các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với công ty nội địa, Thâm Quyến nổi lên là một khu vực hết sức hấp dẫn với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường đầu tư thông thoáng.

Vào những năm 1980, trên thế giới khái niệm SEZ không phải là mới bởi loại hình này có nhiều nét tương đồng với các khu chế xuất đã có mặt ở Đài Loan, Hàn Quốc và một số nơi khác kể từ những năm 1960 nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, ở Trung Quốc đây hoàn toàn là 1 khái niệm mới và thể hiện quyết tâm cải cách kinh tế của nước này.

Là đặc khu kinh tế đầu tiên, Thâm Quyến luôn là nơi đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng những thử nghiệm về cải cách kinh tế hay nói cách khác đây chính là 1 “phòng thí nghiệm” khổng lồ cho quá trình chuyển đổi từ 1 nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thân thiện hơn với cơ chế thị trường. Để có thể làm được điều đó, Thâm Quyến được hưởng 1 cơ chế thông thoáng hơn, cho phép nơi này được tự do, chủ động trong việc đưa ra các chính sách, chiến lược phát triển.

Ví dụ, những nhà cải cách mạnh dạn thực hiện những thương vụ đầu tư với các công ty không đến từ đại lục dù có thể đó là quyết định vượt cấp. Họ cũng chủ động xây dựng khung pháp lý cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài. Qua thời gian, những cải cách dù nhỏ dần bén rễ và phát triển thành nhiều cách làm việc hiệu quả hơn. Khi những quyết định táo bạo chứng tỏ được sự đúng đắn, chính quyền thành phố dần nhận được sự tín nhiệm của cấp trung ương.

Thâm Quyến có cơ chế rất linh hoạt về vấn đề hợp đồng lao động, không phân biệt giữa lao động nhập cư và lao động địa phương. Quan điểm trái ngược của Bắc Kinh về cơ chế cấp hộ khẩu và tuyển dụng công chức giúp giải thích làm cách nào mà các doanh nhân đột phá đã có thể biến Thâm Quyến thành một trong những thành phố sáng tạo nhất thế giới.

Được tạo điều kiện thuận lợi, chính quyền đặc khu Thâm Quyến mạnh dạn đưa ra những chính sách đột phá và thu được những thành tựu khiến người khác phải ngạc nhiên. Với một xuất phát điểm rất thấp, chỉ sau hơn 3 thập kỷ nơi này đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại đầy đủ tương đương với những thành phố lớn của châu Âu. Đây chính là kết quả của chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, đổi đất lấy cổ phần được thực hiện hiệu quả, minh bạch.

Hoặc một ví dụ khác là những chính sách mà Thâm Quyến đã áp dụng để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được hưởng ưu đãi 2 năm không phải đóng thuế thu nhập, giảm 50% cho 8 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp mới cũng được giảm 50% tiền đất. Ngoài ra thành phố còn trợ cấp 5 triệu nhân dân tệ cho mỗi trung tâm nghiên cứu bằng tiền của Trung ương và 3 triệu nhân dân tệ bằng tiền của thành phố; xây dựng các trung tâm R&D và các “vườn ươm khởi nghiệp”.

Kết quả là, từ chỗ sao chép, các công ty Trung Quốc đã phát triển được 1 hệ sinh thái hùng mạnh gồm các nhà máy và nhà cung ứng học hỏi rất nhanh và hợp tác hiệu quả với nhau. “Bất kỳ ai cũng có thể mang theo 1 ý tưởng mới mẻ đến Thâm Quyến, kiểm nghiệm nó, biến nó trở thành hiện thực và tung ra thị trường với chi phí rất hợp lý. Khác với thung lũng Silicon, Thâm Quyến luôn mang đến những giải pháp không hề đắt đỏ cho việc nhân rộng các mô hình trong nhiều lĩnh vực, từ y tế đến tài chính ngân hàng.

Từng được coi là “thiên đường sao chép”, là công xưởng sản xuất toàn cầu với những mặt hàng có giá trị thấp, từ đầu những năm 2000 Thâm Quyến đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị lớn hơn và đến nay đã có nhiều sáng tạo để đạt được những bước tiến lớn trên chuỗi giá trị. Từ chỗ chỉ sản xuất được những mặt hàng đại trà như đồ chơi bằng nhựa hay áo phông đơn giản, Thâm Quyến giờ là 1 trung tâm công nghệ thông tin với những ông lớn như Tencent, ZTE và Huawei.

Theo 1 nghiên cứu được thực hiện bởi Michael Parker, trưởng bộ phận chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Stanford C. Bernstein, chỉ cần đến năm 2018 quy mô kinh tế Thâm Quyến sẽ đạt 350 tỷ USD, vượt qua mức GDP dự báo 345 tỷ USD mà tổ chức này dành cho Hồng Kông.

Thâm Quyến ra sao trước khi là thành phố quan trọng bậc nhất thế giới?

Bài viết mới