Tuy nhiên, bên cạnh những DN có tình hình tài chính tốt, vẫn còn nhiều DN đang bên bờ vực phá sản cũng đưa CP lên niêm yết, khiến cho việc đầu tư trên UPCoM càng thêm rủi ro.
Tương lai vẫn là “bóng đen”
Theo thống kê, UPCoM hiện có 651 CP đang niêm yết nhưng số mã CP có thanh khoản thật sự chỉ khoảng 20 mã như: ACV, ART, ATB, AVF, CGP, DDV, DVN, GEX, GSM, IBC, HVN, KDF, MIG, MSR, PXL, SDI, SKH, SSN, TIS, TVB. Hiện tượng này phần nào cho thấy, kỳ vọng gia tăng số lượng DN niêm yết để nâng sức hấp dẫn cho UPCoM của cơ quan quản lý là chưa thật sự hiệu quả.
Theo Thông tư 115/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ 1-11-2016), sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần sau khi IPO, doanh nghiệp phải đưa CP lên niêm yết trên UPCoM.
Đây là thay đổi mang tính kỹ thuật, nhưng lại tạo ra hiệu ứng lớn đối với vấn đề cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN). Nếu như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đã tạo được bước tiến lớn, khi bắt buộc các DNNN đưa CP sau đấu giá vào giao dịch tập trung trên UPCoM trong vòng 90 ngày, kể từ ngày DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, thì Thông tư 115/2016/TT-BTC đã tiến thêm một bước dài khi quy định đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM, nghĩa là cơ chế “tự động” đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Có thể nói, quy định mới này tạo điều kiện cho NĐT mua cổ phần qua đấu giá có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM ngay sau đó. Thế nhưng, quy định này vô tình trở thành kẽ hở bởi nhiều DN đang trong tình trạng thua lỗ vẫn được “kích hoạt” niêm yết, bởi trước đó khi chưa có Thông tư 115, sàn giao dịch này đã chào đón nhiều DN lỗ khủng.
Đơn cử là trường hợp CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB), niêm yết hơn 272 triệu CP trong phiên giao dịch ngày 26-7. DHB là 1 trong 12 DN thuộc Bộ Công Thương đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề, với lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2016 lên đến 1.721 tỷ đồng.
Tính đến 31-12-2016, tổng nợ của DHB là 8.870 tỷ đồng chiếm 89,5% tổng tài sản, riêng nợ ngắn và dài hạn lên đến 8.084 tỷ đồng (gấp 8,5 lần so với vốn chủ sở hữu 1.039 tỷ đồng). Năm 2017, nhờ tiết giảm được định mức tiêu hao nhiên liệu và được giãn 60% chi phí khấu hao tài sản cố định của Bộ Tài chính, nhưng lũy kế 9 tháng DN này vẫn tiếp tục lỗ thêm 173 tỷ đồng.
Mới đây, một DN cũng thuộc Bộ Công Thương khác là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VVN), cũng đã niêm yết trên UPCoM dù đang trong tình trạng thua lỗ. VVN được thành lập năm 1998, trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây dựng thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và các công ty xây dựng chuyên ngành công nghiệp Việt Nam.
Đến tháng 6-2011, VVN chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó Bộ Công Thương là cổ đông lớn sở hữu 82,75% cổ phần. Dù doanh thu luôn đạt trên 6.000 tỷ đồng nhưng trong 2 năm 2014 và 2015, VVN báo lỗ lần lượt là 148 tỷ đồng và 346 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, VVN tiếp tục lỗ hơn 47 tỷ đồng. Như vậy lỗ lũy kế của VVN tính đến 30-6 xấp xỉ 800 tỷ đồng.
Nhà máy Phân đạm và hóa chất Hà Bắc dù lỗ lớn nhưng vẫn lên sàn.
Bị ép buộc?
Với tình trạng kinh doanh u ám như vậy, việc niêm yết của VVN không mang lại lợi ích gì cho cổ đông, bởi không NĐT nào muốn bỏ tiền mua vào những mã CP đang trong tình trạng thua lỗ. Theo thống kê, sau 9 phiên giao dịch trên UPCoM, tổng khối lượng giao dịch của VVN chỉ có 1.300 đơn vị, tương đương giá trị giao dịch khoảng 20 triệu đồng. Thế nhưng, tình trạng của VVN vẫn còn sáng sủa hơn so với các cổ đông của DHB. Từ ngày chào sàn UPCoM (26-7) đến nay, mã này không có bất kỳ giao dịch nào và giá vẫn giậm chân ở mức 6.800 đồng/CP.
Tương tự là trường hợp CTCP Habeco Hải Phòng (HBH), một công ty con của Habeco, lên UPCoM cũng trong tình trạng thua lỗ. Thậm chí, lãnh đạo DN còn lên kế hoạch lỗ đến tận năm 2021. Chính vì vậy, việc niêm yết của HBH vô tình trở thành nỗi ám ảnh của cổ đông, vì muốn bán cũng không có người mua, trong khi giá CP liên tục sụt giảm, từ 10.000 đồng xuống chỉ còn 5.800 đồng sau phiên giao dịch cuối tuần vừa qua.
Trên thực tế, hiện tượng kiệt quệ thanh khoản cũng xảy ra đối với những mã CP có hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan chứ không chỉ diễn ra ở các DN thua lỗ. Theo giới phân tích, UPCoM vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến NĐT gặp khó khăn khi giao dịch.
Đa phần DN UPCoM là DNNN sau cổ phần hóa với tỷ lệ vốn nhà nước còn quá cao, nên lượng CP được tự do chuyển nhượng thấp, NĐT rất khó giao dịch với số lượng lớn. Ngược lại, các DN có nền tảng tốt lại không đủ điều kiện (thời gian giao dịch dưới 1 năm) để sử dụng margin, khiến cho dòng tiền bị hạn chế.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chủ DN về tính minh bạch. Hiện nhiều DN, đặc biệt là DNNN đưa CP lên niêm yết là để tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, chứ bản thân họ không hề mong muốn chào sàn vì sợ phải công khai tình trạng bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây chính là lý do khiến cho Bộ Tài chính liên tục có những quy định nhằm hạn chế tình trạng DN chây ỳ lên sàn. Rõ ràng việc ép buộc cả DN thua lỗ lên sàn lại vô tình phủ thêm “bóng đen” lên UPCoM vốn thua thiệt so với HOSE và HNX.
Chưa cổ phần hóa vẫn niêm yết
Theo HNX, Công ty TNHH MTV Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (SKH) là DN đầu tiên được niêm yết trên UPCoM dù chưa hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Đây cũng là DN đầu tiên thực hiện theo Thông tư 115/2016/TT-BTC về việc bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của SKH là chế biến các sản phẩm nước yến sào Khánh Hòa đóng lọ mang thương hiệu Sanest, từ nguồn yến sào trực tiếp khai thác tại các đảo thiên nhiên Khánh Hòa. SKH có dây chuyền thiết bị mới hoàn toàn tự động, hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ Italia, công suất 15.000 sản phẩm/giờ. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên nghiên cứu đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới như nước yến sào Khánh Hòa Collagen, nước yến sào Sanest for Kids (dành riêng cho trẻ em), nước yến sào Fucoidan Nhân sâm. Giá chào sàn của SKH là 27.800 đồng/CP.