Sáng nay (30/10), Công ty cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa – FIT Beverage (Mã: VKD) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường lần 1 năm 2017 để thông qua một số nội dung chính như bầu bổ sung/thay thế thành viên HĐQT và BKS; thông qua việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành năm 2016…
Đặc biệt, công ty dự kiến hủy giao dịch cổ phiếu trên UPCoM và chuyển niêm yết sang HNX hoặc HOSE. Việc hủy niêm yết UPCoM không phải lần đầu tiên được đề cập. Vào đầu năm 2016, cổ đông đã thông qua việc này tại ĐHCĐ bất thường lần 2.
Đây là diễn biến mới nhất cho các hoạt động kinh doanh của VKD. Là công ty giao dịch UPCoM, VKD hiện chưa cập nhật kết quả kinh doanh các quý trong năm 2017, đương nhiên nhà đầu tư cũng không biết được tình hình kinh doanh qua 9 tháng của doanh nghiệp này. Không có thông tin hỗ trợ chính thức nhưng cổ phiếu VKD đã có bước tăng giá chóng mặt trong thời gian gần đây.
Từ giữa tháng 9 tới nay, tức qua hơn một tháng, cổ phiếu VKD liên tục tăng giá và lập đỉnh trong lịch sử giao dịch ở mức 112.900 đồng/cổ phiếu, tăng 614%. Điều này là hết sức phi thường khi VKD giao dịch UPCoM từ mãi năm 2010 với 21,6 triệu cổ phiếu và lình xình nhiều năm quanh mệnh giá.
Diễn biến giá cổ phiếu VKD từ ngày 14/9 đến ngày 27/10 (Nguồn: VND)
Điều gì đã khiến cổ phiếu này tăng phi mã như vậy, trong khi không có nhiều thông tin hỗ trợ về mặt kết quả kinh doanh hay định hướng chiến lược?
Sự xuất hiện của hai cổ đông lớn
Công ty cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa – FIT Beverage được đổi tên từ ngày 1/2/2017, công ty có tên cũ là Công ty cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa, chuyên sản xuất nước khoáng và các sản phẩm từ nước khoáng. Địa bàn kinh doanh chủ yếu trong nước, thị trường chủ lực gồm Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đăk Lăk. Với cái tên mới, không khó để nhận ra thành tố “FIT Beverage” trong sự thay đổi của VKD.
VKD hiện có hai cổ đông lớn là CTCP FIT Consumer nắm 49% vốn và CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam nắm 33,13% vốn. Trong đó, FIT Conssumer là công ty thành viên của CTCP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (Mã: TSC), mà TSC lại do CTCP Tập đoàn F.I.T nắm 56,69% vốn. Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT VKD đồng thời là Chủ tịch HĐQT FIT.
FIT Consumer xuất hiện tại VKD khi công ty này phát hành 9,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2015, cổ đông VKD đã thông qua việc FIT Consumer có thể được sở hữu lên đến 65% vốn thông qua việc mua cổ phần các cổ đông hiện hữu mà không cần chào mua công khai. Sau đó FIT Consumer chỉ mua và nắm giữ 49% vốn.
CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam cũng mua vào 26,9% vốn trong đợt phát hành, sau đó mua thêm từ hai cổ đông cá nhân và nâng sở hữu lên 33,13% vốn. Nghị quyết ĐHCĐ 2017 cho phép Thương mại Hoa Sen được sở hữu đến 49% cổ phần VKD mà không phải chào mua công khai. Đến nay, Thương mại Hoa Sen chưa thực hiện việc tăng thêm sở hữu.
100% doanh thu năm 2016 bán cho FIT Consumer
Hiện tại, VKD có công bố báo cáo kết quả kinh doanh kiểm toán đến hết năm 2016. Theo đó, doanh thu năm 2016 tăng 14% trong khi LNST giảm 72% so với năm trước, đạt lần lượt 189 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu này toàn bộ đến từ bán thành phẩm cho Công ty cổ phần FIT Consumer, cổ đông lớn của VKD.
Đơn vị: tỷ đồng
Trong các năm trước khi có sự xuất hiện của FIT Consumer và Thương mại Hoa Sen, doanh thu của VKD đều tăng và giữ lợi nhuận ổn định ở mức 10 tỷ đồng. Hệ số lợi nhuận/doanh thu đạt ở khoảng 6 – 8%/năm. Tuy nhiên tới năm 2016, con số này chỉ đạt 2%, giảm 4% so với năm liền trước.
Trong năm 2016, không chỉ hoàn tất tăng vốn, VKD còn mua 3,2 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư phát triển Nghệ An, chiếm 32% vốn. Số tiền chi trả tương đương 71,78 tỷ đồng. Ngoài ra, VKD còn chuyển đầu tư siêu thị Vikoda thành dự án chung cư FIT Tower Nha Trang từ công trình 6 tầng và 1 tầng hầm thành công trình cao 22 tầng với 180 căn hộ chung cư cao cấp, khu để xe, khu kỹ thuật và nhà sinh hoạt cộng đồng. Vốn đầu tư dự án từ 25 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng.
Do đó tính đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của VKD gấp 1,6 lần so với cuối năm 2015, đạt gần 67 tỷ đồng. Trong đó 26 tỷ đồng là nợ vay thuê tài chính ngắn hạn, gồm vay FIT 2,5 tỷ đồng và vay các ngân hàng khác. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối kỳ là 22 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 120 tỷ đồng.