Vinacapital gom HAR
CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đã mua vào hơn 11,18 triệu cp HAR củaCTCP Đầu Tư Thương Mại BĐS An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR), tương ứng 11,06% lượng cổ phiếu đang lưu hành và chính thức trở thành cổ đông lớn trong ngày 24/10.
Với tỷ lệ này, VinaCapital sẽ là cổ đông lớn thứ hai của HAR, sau Chủ tịch HĐQT Nguyễn Gia Bảo. VinaCapital cũng chính là tổ chức thứ hai sau Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư KGB trở thành cổ đông lớn của HAR.
VinaCapital đang quản lý 3 quỹ đầu tư dạng đóng được niêm yết tại thị trường chứng khoán London gồm: VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) niêm yết trên sàn giao dịch chính, VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Infrastructure Limited (VNI) niêm yết trên sàn AIM. Ngoài ra VinaCapital cũng đang quản lý các quỹ mở VVF, VESAF dành cho nhà đầu tư nước ngoài và hai quỹ VFF, VEOF dành cho nhà đầu tư trong nước.
Giá cổ phiếu HAR đã tăng 189% trong 1 năm qua với khối lượng bình quân đạt gần 1,4 triệu đơn vị/phiên. Đóng cửa 27/10, cổ phiếu tăng trần lên 11.950 đồng/cp.
Nhóm Dragon gom mạnh NKG và KDH, bán ra HSG
Nhóm Dragon Capital cũng không kém cạnh khi mua vào lượng lớn cổ phiếu CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) và CTCP Đầu Tư & KD Nhà Khang Điền (HoSE: KDH).
Theo đó, Amersham Industries Limited đã mua vào 7,5 triệu cổ phiếu NKG, qua đó nâng số lượng NKG nắm giữ gần 8,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,51% và trở thành cổ đông lớn.
Bên cạnh đó, Aquila SPC Ltd và Idris Ltd cũng mua vào tổng cộng 3 triệu cp NKG. Như vậy, tổng nhóm Dragon đã gom 10,5 triệu cp NKG; qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,41% ứng với 29,2 triệu cp.
Đây là lượng cổ phiếu mà Dragon Capital đã mua vào thông qua đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu của Thép Nam Kim cho 17 nhà đầu tư với mức giá 27.000 đồng/cp. Ngoài Dragon Capital còn một số quỹ đầu tư lớn tham gia mua cổ phần của Thép Nam Kim, có thể kể tới như Pyn Elite Fund, Chứng khoán Bản Việt, Manulife, CTCP Đầu tư thương mại SMC…
Hiện tại, thị giá NKG đang xoay quanh ngưỡng 35.000 đồng/cp, cao hơn gần 30% so với mức giá phát hành riêng lẻ vừa qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của NKG ghi nhận gần 557 tỷ đồng, tăng trưởng 23% và đạt 93% chỉ tiêu cả năm. Theo đó, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của NKG nâng lên mức 810 tỷ đồng.
Nhóm Dragon cũng gom 3,8 triệu cp KDH; qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 17,63%, ứng với 57,8 triệu cp. Cụ thể, Grinling International Limited mua vào 1 triệu cp và Vietnam Enterprise Investments Limited gom 2,8 triệu cp. Giao dịch thực hiện vào ngày 18/10.
Trước đó vào ngày 16/10/2017, Vietnam Ventures Ltd cũng mua thêm 3,8 triệu cp KDH; nâng sở hữu lên hơn 19,6 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 8,38%.
Được biết, giá KDH đã tăng gần 45% trong 1 năm qua, chốt phiên cuối tuần đứng tại 25.900 đồng/cp. Sau khi các quỹ ngoại liên tiếp mua vào trong thời gian qua, room ngoại của KDH đã đạt đến giới hạn 49%.
Trong khi đó, nhóm Dragon lại bán ra cổ phiếu CTCP Tập Đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG). Theo đó, Norges Bank đã bán ra 330.000 cp, do đó nhóm Dragon đã giảm sở hữu xuống 4,96% ứng với 17,4 triệu cp và không còn là cổ đông lớn tại HSG.
Ngược lại, Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HSG từ ngày 1/11 đến ngày 30/11. Dự kiến sau giao dịch, ông Vũ nâng tỷ lệ sở hữu lên 10,7%, tương đương 37,442 triệu cổ phần HSG.
Về hoạt động kinh doanh, tính chung cả năm tài chính, Công ty đạt doanh thu thuần 26.148 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.330 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 114% và 81% so với kế hoạch năm.
Pyn Elite Fund tích cực mua bán
Một quỹ ngoại có giao dịch tích cực gần đây là Pyn Elite Fund (Non-Ucits) cũng vừa cơ cấu lại các khoản đầu tư của mình.
Cụ thể, Pyn Elite Fund đã bán qua sàn hơn 2 triệu cổ phiếu TCT PT Đô Thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC),giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,38% xuống còn 4,94%. Như vậy PYN Elite không còn là cổ đông lớn của KBC.
Cũng trong ngày 18/10, Pyn Elite bán qua sàn 854.900 cổ phiếu CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC),giảm tỷ lệ sở hữu từ 14,08% xuống còn 13,32%.
Ở chiều ngược lại, Pyn lại mua vào tổng cộng gần 900 nghìn cổ phiếu của CTCP FECON (HoSE: FCN), CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (HoSE: C32) và CTCP Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH). Có thể thấy, Pyn Elite đã giảm đầu tư tại các công ty xây dựng có vốn hóa lớn để tập trung vào các mã xây dựng có mức vốn hóa nhỏ hơn.
Đối với mã FCN, sau khi chốt room ngoại hơn 51% thì các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục nâng sở hữu tại Công ty. Hiện room ngoại của FCN đã tăng lên 37,92% và room nước ngoài còn lại là 13,55%.
Ở chiều mua còn có giao dịch ở các mã STL, KMR, IDV và DC1 với khối lượng thấp và ít biến động về tỷ lệ sở hữu.
Chiều bán nổi bật quỹ nội
Từ ngày 16/10-24/10, Quỹ đầu tư và Phát triển Bình Định đã thực hiện bán ra gần 10,5 triệu cp CTCP Dược – Trang Thiết Bị Y Tế Bình Định (UPCoM: DBD). Như vậy, quỹ nội còn nắm giữ gần 7 triệu cp ứng với tỷ lệ 13,34% vốn.
Được biết, cổ phiếu DBD đã tăng hơn 49% từ khi niêm yết đầu tháng 1 năm nay với khối lượng hơn 100 nghìn đơn vị/phiên. Hiện cổ phiếu đang giao dịch dưới 50.000 đồng/cp.
Ngoài ra, nhóm FTIF- Templeton Frontier Markets Fund đã bán ra 300.000 cổ phiếu CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG). Như vậy, nhóm này còn sở hữu gần 13 triệu cp DHG, tương ứng với tỷ lệ 9,92%.
Quý III, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DHG đều giảm với lần lượt 2% và 16%. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, DHG vẫn đạt 2.710 tỷ doanh thu, tăng 4% so với mức 2.608 tỷ đồng cùng kỳ. Lãi ròng Công ty thu về gần 498 tỷ, tăng 6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Công ty vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Thành giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 26/10. HĐQT Công ty còn bổ nhiệm ông Tomoyuki Kawata giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách về sản xuất, chuỗi cung ứng, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 25/10.
Các quỹ đăng ký bán lượng lớn CII, TRA
Ở diễn biến đăng ký giao dịch, các quỹ sẽ thực hiện giao dịch bán lượng lớn cổ phiếu TRA và CII.
Cụ thể, Quỹ Vietnam Azalea Fund (VAF) do Mekong Capital quản lý vừa đăng ký bán toàn bộ 10,36 triệu cổ phiếu TRA của Công ty cổ phần Traphaco, tương đương 24,99% vốn điều lệ.
Mekong Capital thoái vốn khỏi Traphaco không còn xa lạ, bởi nó đã được bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT TRA đề cập tới từ đầu năm 2016. Lý do thoái vốn được cho là VAF đến hạn đóng quỹ vào năm 2017.
Quỹ VAF được khai trương vào tháng 6/2007 và quản lý 64 triệu USD vốn cam kết. Quỹ dự kiến hoạt động trong khoảng 10 năm, đã thực hiện 10 khoản đầu tư kể từ khi mở quỹ. VAF từng nắm giữ cổ phần tại 4 công ty niêm yết, gồm FPT, NLG, PNJ và TRA. Hiện tại, Traphaco là khoản đầu tư cuối cùng mà VAF chưa thoái vốn.
Còn VIP Infrastrucre Holdings PTE. LTD (VIP) tiếp tục muốn thoái vốn tại CTCP ĐT Hạ Tầng Kỹ Thuật Tp.Hồ Chí Minh (HoSE: CII) với khối lượng gần 6,3 triệu cp.
Trước đó không lâu, VIP đã thực hiện bán 11,3 triệu cp CII, giảm sở hữu về 10.269.840 cổ phiếu, tương đương với 4,17% và không còn là cổ đông lớn. Ngoài ra, CTCP Đầu tư Tân Tam Mã cũng đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu từ ngày 2/10 đến ngày 1/11.
Ngược lại, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, một quỹ thuộc Dragon Capital, đã thực hiện giao dịch mua vào 2 triệu cp CII từ ngày 03/10 đến 10/10. Như vậy, cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài này đã nâng sở hữu CII lên 10,18%, tương đương với 25,1 triệu cp.