Tham gia thảo luận tại Hội trường Quốc hội về Luật tổ chức tín dụng sửa đổi ngày 26/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân của đoàn Tp. Hồ Chí Minh cho biết đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và ngành ngân hàng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và đã xử lý được 22 tổ chức. Điều quan trọng hơn là chúng ta đảm bảo được an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Qua việc nghiên cứu về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Ngân tán thành rất cao phần lớn nội dung được giải trình rất chi tiết, khoa học.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng vẫn còn một số điểm cần làm rõ.
Nội dung thứ nhất, các ngân hàng mà Ngân hàng nhà nước đã mua 0 đồng đang được hỗ trợ, sẽ đến lúc phải chuyển nhượng. Vậy chuyển nhượng toàn bộ, chuyển nhượng bắt buộc các ngân hàng này được quy định như thế nào trong luật này thì chưa có, mà chỉ mới đề cập đến các Ngân hàng thương mại cổ phần, chứ chưa đề cập đến các Ngân hàng 0 đồng khi mà chúng ta chuyển nhượng bắt buộc.
Hơn nữa khi chuyển giao bắt buộc các Ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt thì trong trường hợp nếu không ai mua, không có tổ chức tín dụng nào mua, không có nhà đầu tư nào xuất hiện thì thông thường sẽ chuyển sang phá sản mà phá sản Ngân hàng thương mại đều tất cả hầu như các nước người ta không dám làm chỉ trừ trường hợp đặc biệt, như vậy trong trường hợp đó ta xử lý sao. Vì vậy đại biểu đề nghị trong trường hợp đó cần ghi vào trong điều khoản luật luôn là nếu như không có tổ chức tín dụng nào tham gia để chuyển nhượng bắt buộc thì Ngân hàng nhà nước phải mua để có một bước quá độ hỗ trợ rồi chúng ta chuyển nhượng.
Ý kiến thứ hai là chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu. Theo ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chờ đến Luật thuế chúng ta sửa luôn. Đại biểu nói rằng nếu chờ thì kỳ họp thứ 5, thứ 6 và đến năm 2019 mới triển khai thì hơi muộn, do đó cần phải có những chính sách kịp thời, và đại biểu đề nghị nên ghi luôn trong điều khoản này để khuyến khích hỗ trợ các tổ chức tín dụng tham gia kiểm soát đặc biệt, ví dụ miễn thu nhập doanh nghiệp cho đến khi hết lỗ lũy kế hoặc miễn thuế, phí về chuyển nhượng tài sản trong quá trình sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của tổ chức tín dụng kiểm soát đặc biệt. Có như vậy mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu này một cách nhanh hơn.
Ý kiến thứ ba, về miễn trách nhiệm đối với những người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo Điều 147. Đại biếu nói rằng ở giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói là phần lớn, nhiều ý kiến, sáng nay phát biểu thì thấy hơn 50% ý kiến ủng hộ để lại điều này. Địa biểu Ngân ủng hộ để điều này, nhưng ghi chú một cách cụ thể hơn, ví dụ Điều 147 miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và có cơ chế giám sát các tổ chức, đơn vị tham gia kiểm soát đặc biệt. Dĩ nhiên, khi vi phạm pháp luật, chúng ta phải xử, trừ trường hợp đó.
Trong quá trình tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng, nếu không đạt được kết quả do những nguyên nhân khác thì những người tham gia này không chịu trách nhiệm. Đối với các cán bộ, chuyên viên, viên chức được điều động về đây họ rất nhiều thử thách vì làm việc trong một môi trường rất căng thẳng, cán bộ đã bị ô nhiễm. Trong xử lý xây dựng vừa rồi thì một số cán bộ được điều động về làm vai trò kiểm soát đặc biệt đã bị ảnh hưởng, chưa kể đến những việc họ có thể bị tấn công bằng nhiều hình thức. Vì đụng đến nợ xấu, đụng đến những vấn đề bên trong rất phức tạp, nên chúng ta phải có cơ chế bảo vệ lực lượng này và chúng ta nên tuyển những người vừa năng động, trí tuệ để về đó có vực dậy, cũng giống như các y, bác sỹ đang làm việc ở các phòng cấp cứu làm nhiệm vụ hồi sức, chúng ta phải có cơ chế bảo vệ họ.