Sau khi lọt top 10 đồng tiền số có giá trị vốn hóa lớn nhất vào hồi tháng 6, IOTA đã thu hút được nhiều sự chú ý từ cộng đồng nhà đầu tư tiền số bởi sức bật mạnh mẽ của đồng tiền này. Vừa qua, nó còn vươn lên trở thành đồng tiền có vốn hóa lớn thứ 5 thị trường sau khi tăng 500% chỉ trong 2 tuần. Từ một đồng tiền rất nhỏ có giá trị chỉ vài xu, IOTA đã trở thành một hiện tượng mới trên thị trường tiền số đúng theo câu nói: “Không cao nhưng người khác phải ngước nhìn”.
IOTA là gì?
IOTA là đồng tiền số được thiết kế để phục vụ cho mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of things – hiểu đơn giản là một mạng lưới kết nối tất cả các thiết bị điện tử với nhau từ máy tính đến điều hòa, xe ô tô,…) dựa trên giao thức sổ cái phân quyền. Không giống như Bitcoin sử dụng kiến trúc blockchain để duy trì ghi nhận các giao dịch, IOTA sử dụng Tangle là một Directed Acyclic Graph nhằm làm cho IOTA được tối ưu và nhẹ nhất có thể.
So sánh cấu trúc nền tảng Tangle của IOTA và Blockchain của Bitcoin, Ethereum và nhiều đồng tiền khác.
Tangle giải quyết 2 vấn đề về khả năng mở rộng và phí giao dịch mà Bitcoin và hầu hết các đồng tiền số khác phải đối mặt bằng cách yêu cầu người gửi trong một giao dịch thực hiện một loại bằng chứng xác nhận giao dịch. Do đó, việc thực hiện và xác nhận các giao dịch được kết hợp. Điều này sẽ loại bỏ các thợ mỏ chuyên dụng và làm cho hệ thống được mã hóa hoàn toàn. Người có giao dịch sẽ là người có tác động đến hệ thống (trong khi những thợ đào bitcoin không phải là người tác động hệ thống, họ chỉ cho phép nó vận hành). Việc mất đi thợ mỏ cũng khiến cho tất cả các giao dịch của IOTA không bị mất phí.
Tiềm năng của IOTA?
Trong khi bitcoin vẫn đang mắc kẹt trong sự giằng xé giữa các bên về việc mở rộng như thế nào, bản thân IOTA đã được tạo nên để giải quyết câu hỏi đó. Mặc dù đã tăng gấp 5 lần chỉ trong 2 tuần, cho đến nay đồng tiền này vẫn được đánh giá là có tiềm năng tăng cao.
IOTA được hứa hẹn là một công nghệ hấp dẫn cho các nhà phát triển ứng dụng giao tiếp M2M (máy đến máy). Nhóm phát triển IOTA cho biết các lĩnh vực có thể áp dụng công nghệ này đó là: di động, năng lượng, thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra IOTA sẽ hỗ trợ các công ty thực hiện các mô hình B2B bằng cách biến các thiết bị kỹ thuật thành “dịch vụ” có thể trao đổi trên thị trường mà không bị mất phí. IOTA cũng có thể áp dụng rất tốt cho các giao dịch siêu nhỏ giữa người với người như gửi một vài USD từ nước này sang nước khác.
Nói tóm lại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không chỉ dừng lại ở việc phát triển ra các loại máy móc thông minh mà còn là việc con người giao tiếp với chúng và IOTA chính là cây cầu đó.
Biến động giá IOTA trong 2 tuần qua.