Ngày 27/10 UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo cấp cao về xây dựng Thành phố thông minh và xúc tiến đầu tư, phát triển CNTT.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2000, Đà Nẵng đã quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, cũng như trong quản lý và vận hành đô thị. Năm 2014, Đà Nẵng ban hành Đề án thành phố thông minh để quản lý đô thị hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đà Nẵng xác định ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT có gắn kết mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay, toàn Thành phố có gần 700 doanh nghiệp CNTT. Doanh thu của ngành công nghiệp CNTT đạt 13.035 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho khoảng 22.000 lao động.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn đã và đang mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài, trong đó, thị trường Nhật Bản (chiếm 36%) và Mỹ (chiếm 36%) và cũng dần mở rộng kinh doanh sang thị trường các nước liên minh châu Âu-EU (chiếm 16%), và các nước châu Á khác như: Trung Quốc, Singapore…
Các dịch vụ ứng dụng CNTT phát triển mạnh tại Đà Nẵng chủ yếu là phân phối máy tính và thiết bị ngoại vi, phần mềm đóng gói, thiết bị mạng, camera, các giải pháp phần mềm chuyên dụng.
Cần có chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Để có những bước đột phá mới nhằm phát huy hết tiềm lực của mình, Đà Nẵng xác định phát triển CNTT là 1 trong 3 hướng đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT, đưa ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao và giá trị xuất khẩu lớn. Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp các dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng xuất khẩu.
Hiện nay, Công viên phần mềm Đà Nẵng là 1 trong những khu CNTT hoạt động hiệu quả nhất của cả nước, với tỷ lệ sử dụng đạt hơn 99% diện tích. Tính đến tháng 6, Công viên phần mềm Đà Nẵng có 75 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút vốn đầu tư hơn 1.520 tỷ đồng. Đây là một kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương và cho cả ngành CNTT Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển mới, để trở thành điểm sáng của khu vực trong lĩnh vực CNTT, Đà Nẵng cần phải xác định một hướng đi dài hơi và bền vững phù hợp với chiến lược phát triển chung. Cần có chính sách trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư có nhiều hàm lượng chuyển giao công nghệ, các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, góp phần tăng trưởng bền vững cho Thành phố.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, từng bước nâng cao năng lực và vị thế của CNTT Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, để nâng cao hơn nữa việc thu hút đầu tư nhằm phát triển của CNTT địa phương tiến tới xây dựng và dịch chuyển thành một đô thị thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng: “Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT, Đà Nẵng cần quan tâm đến hạ tầng. Hạ tầng CNTT phải là hạ tầng băng rộng hiện đại đạt chuẩn, an toàn, tốc độ cao, độ phủ rộng, chất lượng tốt. Đà Nẵng cần phải coi các hệ thống, các cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ người dân và doanh nghiệp là hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ mọi yêu cầu phát triển khác. Cần tiếp tục có chính sách thu hút, đãi ngộ và quan trọng hơn là môi trường làm việc đầy năng động và sáng tạo để thu hút nhân tài”.