Đó là thông tin chính thức vừa được TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch ĐH FPT trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.
Được biết sau khi lãnh đạo Trường ĐH FPT thông báo về việc chấp nhận sinh viên dùng tiền ảo bitcoin để đóng học phí đã gây xôn xao, tranh cãi trong dư luận. Đây là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam triển khai chủ trương này trong khi loại tiền ảo bitcoin này còn rất mới ở Việt Nam và chưa được cơ quan quản lý đưa ra khung pháp lý cụ thể.
Hơn nữa, việc quản lý và sử dụng còn nhiều vấn đề, chưa kể giá của nó lên xuống thất thường sẽ gây ít nhiều rủi ro cho bản thân trường cũng như các sinh viên (SV).
Hiện Đại học FPT có khoảng 100 sinh viên nước ngoài theo học.
Nói rõ lại về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch ĐH FPT, cho biết việc thông báo chấp nhận dùng tiền ảo bitcoin thực ra chỉ là một kênh để SV nước ngoài thanh toán học phí cho trường chứ không phải trường niêm yết học phí bằng bitcoin.
Tức là thông báo cho các em có thể mang bitcoin sang Việt Nam và có thể chuyển thành tiền để thanh toán học phí cho trường được chứ không phải sử dụng nó như một loại tiền tệ để đóng như tiền Việt hay đôla.
Lý do thực hiện hình thức này, ông Tùng cho rằng thứ nhất, xuất phát từ việc bitcoin là hiện tượng đang tồn tại như một thực thể ở các nước và nó cũng đang cần có chính sách quản lý. Hiện nay, có rất nhiều nước, nhiều trường đã sử dụng bitcoin như một công cụ để thanh toán học phí rồi.
Thứ hai, ĐH FPT đang muốn thu hút SV nước ngoài đến Việt Nam để học tập ở trường nhưng công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ nên việc đóng học phí với các em đó là một trở ngại lớn. Nhiều phụ huynh ở các nước có tiền nhưng không chuyển đi được.
Vì thế, bitcoin hiện nay như là một công cụ để giúp phụ huynh ở nước ngoài có thể mua bitcoin để chuyển cho sinh viên, rồi SV chuyển nhượng lại ở đâu đó để có kinh phí đóng học phí cho trường.
“Do đó, FPT quyết định thử nghiệm bằng cách chính thức và cụ thể hóa trong thông báo tuyển sinh SV nước ngoài sang học ở VN là có thể sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí để thu hút SV nước ngoài. Trước mắt, một là SV tự bán bitcoin để chuyển tiền mặt cho trường hoặc SV hiến tặng cho trường để đổi học bổng tương ứng để trường có bitcoin này phục vụ cho công tác nghiên cứu của trường” – TS Tùng nói rõ.
ĐH FPT là trường đầu tiên ở Việt Nam chấp nhận thu học phí bằng tiền ảo bitcoin.
Theo TS Tùng, đây chỉ là thử nghiệm vì bản thân ĐH FPT cũng có nhu cầu sử dụng một số bitcoin để phục vụ cho công tác nghiên cứu của trường vì trường có đào tạo về quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng nên không thể đứng ngoài được.
Ông Tùng nói thêm, việc trường thử nghiệm cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường chỉ có khoảng 100 SV nước ngoài theo học, chiếm 1% số SV. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường.
“Về nguyên tắc thì FPT có thể mở một ví bitcoin bằng tài khoản để sinh viên chuyển bitcoin cho trường bằng việc thực hiện qua mạng, do vấn đề pháp lý nên không thể xuất hóa đơn và không hạch toán được. Do đó, trường chỉ sử dụng giải pháp để SV hiến tặng cho trường và trường sẽ hoán đổi bằng cấp học bổng tương ứng thôi. Còn về sau, khi có quy định cụ thể thì sẽ triển khai chính thức sau, khi đó cả SV nước ngoài lẫn Việt Nam đều có thể sử dụng” – ông Tùng cho biết.
Liên quan đến những lo ngại về tỉ giá khi sử dụng tiền này, ông Tùng cho rằng rủi ro tỉ giá của tiền bitcoin sẽ tương tự ngoại tệ, khi lên khi xuống. Điều này không có gì đáng ngại vì khi lâu nay trường vẫn áp dụng thu học phí bằng ngoại tệ với sinh viên ngoại rồi.
Tiền ảo bitcoin là gì?
Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn, mở từ năm 2009.
Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.
Hiện tại giá của bitcoin đã xấp xỉ gần 6.000 USD, đạt mức tăng trưởng hơn 500% chỉ trong năm 2017.
Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa công nhận bitcoin; tuy nhiên, một số nước đã chấp nhận đồng tiền ảo này như một hình thức thanh toán thứ ba.