Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp thung lũng Silicon?

Trung Quốc hiện đã gần sánh ngang với Mỹ về số lượng kì lân – nghĩa là startup công nghệ cao được định giá trên 1 tỉ USD.

Đó không phải là thông tin “giật gân” hay chỉ có “nằm mơ mới thấy” mà là hoàn toàn là sự thật theo một báo cáo vừa mới được trang web www.cbinsights.com công bố cách đây không lâu. Theo đó, Trung Quốc và Mỹ hiện đang thống trị danh sách kì lân trên toàn cầu (xem bảng):

Hầu hết các kì lân của Trung Quốc đều nằm ở lĩnh vực Internet hoặc điện thoại thông minh (smartphone), như China Internet Plus Holdings, một “ngôi chợ” dành cho thương mại điện tử và Xiaomi, một nhà sản xuất smartphone có tiếng của Trung Quốc.

Điều này chẳng có gì là không hợp lý hay bất ngờ vì trong những năm gần đây, thị trường Internet Trung Quốc và các kì lân của họ đã thu hút được một lượng tiền đầu tư lớn từ những nhà đầu tư mạo hiểm đến từ mọi nơi trên khắp thế giới. Chẳng hạn, China Internet Plus Holdings đã mang về cho mình những nguồn tiền khổng lồ từ DST Global, Trustbridge Partners, và Capital Today, còn Xiaomi thì liên tục nhận được các khoản đầu tư “khủng” từ QiMing Venture Partners, Qualcomm Ventures, và Digital Sky Technologies.

Các thị trường tài chính cũng đã bắt đầu chú ý đến điều này, khiến giá cổ phiếu của các công ty niêm yết và những quỹ ETF trong lĩnh vực Internet tăng vọt trong những tháng gần đây, góp phần tăng thêm cảm giác phấn chấn cho các kì lân.

Nổi bật nhất trong số này có KraneShares SCI China Internet ETF khi giá cổ phiếu của họ tăng đến 66,38% so với cùng kì năm ngoái, giúp họ trở thành quỹ ETF của thị trường mới nổi có hiệu suất tốt nhất, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như tập đoàn Sina (tăng 78,10%), Tencent (tăng 83,47%), và dĩ nhiên là không thể thiếu “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc lẫn thế giới: Alibaba (tăng đến 100,73%).

Sự phát triển nhanh của các startup Trung Quốc một lần nữa lại được khẳng định trong danh sách xếp hạng thường niên của MIT, học viện công nghệ danh tiếng của Mỹ, khi họ xếp Tencent ở vị trí thứ 8, Alibaba ở vị trí thứ 41, và đây là lần thứ hai cả hai có tên trong danh sách này. Hồi năm 2015, Tencent chiếm vị trí thứ 15, còn Alibaba chiếm vị trí thứ 4.

Cả Tencent lẫn Alibaba đều đang tạo ra những công nghệ sáng tạo với tốc độ nhanh và đã phát triển được các mô hình kinh doanh hiệu quả để mang tiền về cho mình.

Đồng thời, sự trỗi dậy về mặt công nghệ của Trung Quốc đã thúc đẩy tính cạnh tranh toàn cầu của quốc gia này, với bằng chứng là báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố đã cho thấy điều này khi xếp Trung Quốc ở vị trí 27 trong số 137 quốc gia có mặt trong danh sách.

Công nghệ đang là một yếu tố quan trọng giúp cho Trung Quốc vượt qua được chiếc bẫy thu nhập trung bình và “bước ngoặt Lewis” để đạt được tăng trưởng bền vững.

Bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc trong “tư tưởng Tập Cận Bình”

Bài viết mới