Tâm điểm tuần qua (23/10 – 27/10) trên toàn thị trường chứng khoán xuất hiện một số điểm nhấn đáng quan tâm về những giao dịch mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ.
Cổ phiếu được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong tuần qua chính là FLC (CTCP Tập đoàn FLC) khi ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch HĐQT đăng kí mua vào 37 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch ông Quyết đang nắm giữ 155 triệu cp (tỷ lệ 24,32%), dự kiến số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch sẽ tăng lên 192 triệu (tỷ lệ 30,12%). Giao dịch được dự kiến thực hiện từ 20/11 đến 19/12/2017.
Gần đây trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường của DN đang đưa ra một nội dung là sáp nhập CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản Fam theo hình thức hoán đổi cổ phần trong thời gian tới. Theo đó, 149,5 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 VNĐ/CP sẽ được phát hành cho Công ty FAM để hoán đổi với tỷ lệ dự kiến là 1:1,07 (1 cổ phần FLC sẽ hoán đổi 1,07 cổ phần Công ty FAM).
Tổng giá trị của đợt phát hành tính theo mệnh giá tương ứng là 1.495 tỷ đồng. Lí do được đưa ra là tập trung triển khai các lĩnh vực giúp FLC tận dụng tối đa các tiềm năng và cơ hội hiện có của thị trường. Trên TTCK, ngay sau khi đạt đỉnh tại vùng giá 9.000 đồng/cp thì tới hiện tại FLC đã giảm sâu gần 30% về mức giá xấp xỉ 7.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen) cũng nhận được không ít sự quan tâm từ phía các NĐT khi ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Thời điểm hiện tại trước giao dịch ông Vũ sở hữu 36,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,41%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 1/11 đến 30/11/2017 theo phương thức khớp lệnh.
Có thể thấy rằng thị trường tôn mạ nội địa trong thời gian gần đây đang có những thay đổi lớn. Để thúc đẩy sản xuất trong nước, Chính phủ đã áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại như ban hành hạn ngạch cho sản phẩm tôn màu kéo dài 3 năm từ 06/2016 và thuế tự vệ tôn mạ cho sản phẩm từ Trung Quốc và Hàn Quốc (lên tới 38,34%).
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh giữa những doanh nghiệp tôn mạ trong nước như HSG không vì đó mà giảm do công suất ngành sẽ tăng thêm khoảng 2 triệu tấn từ 2018 khi cả HSG và NKG đều tăng công suất, kèm theo sự gia nhập ngành của những doanh nghiệp sản xuất thép có tiếng như HPG và Pomina. Trong thời gian gần đây, giao dịch HSG đang diễn ra khá kém tích cực khi kết thúc phiên giao dịch 26/10, thị giá HSG chỉ còn 25.200 đồng, giảm tới hơn 30% so với thời điểm HSG chạm mốc 34.000 đồng/cp cuối tháng 6 vừa qua.
CVT (CTCP CMC) được biết ông Dương Quốc Chính – Phó Chủ tịch đăng ký mua 300.000 cổ phiếu. Trước giao dịch ông Chính sở hữu 1.000.028 cổ phiếu (tỷ lệ 3,54%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 31/10 đến 29/11/2017. Cùng thời gian, ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký mua vào 300.000 cp. Trước giao dịch ông Huy sở hữu 1.692.936 cp (tỷ lệ 6%). Ông Tạ Quang Vững – Ủy viên HĐQT, cũng đăng ký mua 150.000 cp. Trước giao dịch ông Vững sở hữu 172.481 cp.
Được biết ngay sau khi chuyển sàn, CVT công bố kết quả 9 tháng đầu năm 2017 đạt mức doanh thu dự kiến 905 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,3% và 45,4% so với mức thực hiện cùng kỳ năm trước. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai giai đoạn cuối của dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 3 sắp đi vào khai thác, công ty dự kiến cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 sẽ đi vào hoạt động sản xuất. Hiện nay, giá cổ phiếu đang giao dịch quanh ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu.
Ở phía chiều ngược lại, tại HAG (CTCP Hoàng Anh Gia Lai), ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT vừa đăng ký bán thoả thuận 23 triệu cổ phiếu để dùng làm tài sản đảm bảo hỗ trợ DN tái cơ cấu nợ vay. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 27/10 đến 25/11/2017 qua phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch này, ông Đức sẽ còn nắm giữ 324,77 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng tỷ lệ 35,02%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, HAG đã đạt được 3.998 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.188 tỷ đồng, trong đó riêng quý III/2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 166 tỷ đồng. Quý IV/2017, HAGL tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.770 tỷ đồng, lợi nhuận gộp các mảng chính 680 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 180 tỷ đồng. Cũng trong quý này, DN đang tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nợ. Hiện nay giá cổ phiếu đang giao dịch quanh ngưỡng 7.700 đồng/cp.
Cuối cùng, liên quan đến cổ phiếu FPT, ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 1,5 triệu cp trong tổng số gần 19,7 triệu cp (tỷ lệ 3,7%) đang sở hữu dưới phương thức giao dịch thỏa thuận và chuyển nhượng cho ông Nguyễn Khắc Thành – hiện đang nắm giữ chức vụ hiệu trưởng trường ĐH FPT. Bên cạnh đó Ông Dương Dũng Triều – Phó TGĐ lại đăng ký mua vào 240.000 cp. Trước giao dịch ông Dương Dũng Triều sở hữu 2.047.504 cp (tỷ lệ 0,39%). Cả 2 giao dịch đều đồng thời được dự kiến thực hiện từ 31/10 đến 29/11/2017.
Trong 9 tháng đầu năm nay, hiện doanh thu hợp nhất của FPT đạt 31.131 tỷ đồng, tăng 9% so và mức lợi nhuận trước thuế đạt 2.308 tỷ đồng, đã tăng 15% so với cùng kỳ. Được biết mức lợi nhuận được đem lại chủ yếu từ mảng viễn thông và CNTT, chiếm tới 73% tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn. Hiện nay giá cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10 đang giao dịch xung quanh ngưỡng 49.600 đồng/cp.