Luật sư: Hành vi bán khăn lụa “made in China” của Khaisilk có dấu hiệu vi phạm hình sự

Làm mất hình ảnh của mình và doanh nghiệp khác

Chiều 26/10, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ sự không đồng tình với hành vi mua khăn lụa “made in China” nhưng lại đề xuất xứ ở Việt Nam rồi bán ở cửa hàng Khaisilk mà báo chí, người tiêu dùng phản ánh.

“Ở đây đã có dấu hiệu của sự gian lận thương mại, nếu kiểm tra đúng thì phải có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Cương nói.

Ông Cương cho rằng, với số lượng lớn khăn “made in China” được Khaisilk bán ra và kéo dài trong vòng 30 năm như vậy sẽ liên quan đến mức xử phạt hoặc xử án về sau của các cơ quan chức năng với đơn vị này.

Trước câu hỏi có nên khởi tố vụ việc của Khaisilk để điều tra không, ông Cương trả lời: “Trước mắt, theo tôi là xử lý là về hành chính.

Còn nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về gian lận thương mại thì cơ quan quản lý hành chính có thể chuyển cơ quan điều tra và đề nghị khởi tố. Nhưng như tôi đã nói trước tiên phải làm rõ dấu hiệu vi phạm đã”.

Ông Hoàng Khải, chủ tập đoàn Khaisilk. Ảnh: trang cá nhân.

Ông Hoàng Khải, chủ tập đoàn Khaisilk. Ảnh: trang cá nhân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho hay, theo quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa thì xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Còn theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Việc lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa là hành vi bị cấm.

“Đối chiếu với quy định của pháp luật, theo báo chí phản ánh, khăn lụa Khaisilk bán có xuất xứ “made in China”, nhưng trên sản phẩm lại ghi “Made in Viet nam” thì rõ ràng là vi phạm, làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tôi chưa nói đến chất lượng sản phẩm, việc vi phạm về nguồn gốc xuất xứ đã đánh vào quyền được lựa chọn của người tiêu dùng khi họ muốn mua hàng Việt Nam thì lại mua phải hàng Trung Quốc”, ông Hùng nêu.

Ông nhấn mạnh, việc hàng Việt Nam cứ thật giả lẫn lộn như trường hợp của Khaisilk đã gây nhiều vấn đề, trong đó rất khó thuyết phục người tiêu dùng trong việc ưu tiên dùng hàng Việt.

Có dấu hiệu vi phạm hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, sự việc lần này của Khaisilk không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu này mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt nói chung, đồng thời, đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Theo luật sư Cường, với trả lời của ông Hoàng Khải và phản ánh trên báo chí thì hành vi của doanh nghiệp Khaisilk có dấu hiệu cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự.

“Tuy nhiên, muốn xử lý theo tội này thì cần phải có nhiều người bị hại gửi đơn tố cáo và xác định được thiệt hại. Sau đó, cơ quan điều tra vào cuộc xác minh.

Sau khi thấy có sự lừa dối khách hàng với số lượng lớn, thu lời bất chính thì có thể khởi tố.

Nếu ít khách hàng tố cáo thì có thể xem xét các hành vi khác quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc căn cứ vào mức độ, tính chất hậu quả hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định hiện hành về tội quảng cáo gian dối, xâm phạm sở hữu công nghiệp… “, luật sư Cường nói.

Còn luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội) nhìn nhận, việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng lại che giấu thông tin này là vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với hành vi sản xuất, buôn bán khăn lụa giả mạo nhãn hàng hóa về nơi xuất xứ thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 185 của Chính phủ.

Theo đó hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có mức xử phạt lên tới 45.000.000 đồng; ngoài ra còn thể có hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả…

Theo luật sư Thành,việc Khaisilk cắt sửa mác hàng hóa và đính vào nhãn khác để bán cho khách hàng là hành vi có dấu hiệu vi phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Kiểm tra cửa hàng Khaisilk: Tạm thu giữ khoảng hơn 50 sản phẩm, tổng giá trị hơn 30 triệu

Bài viết mới