Khaisilk – thương hiệu lua tơ tằm nổi tiếng của Việt nam – mới đây thừa nhận nhập hàng đã nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn Việt Nam suốt từ những năm 1990 khiến nhiều người từng yêu thích thương hiệu này tỏ ra phẫn nộ. Vụ việc khiến uy tín và hình ảnh của Khaisilk bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thế giới cũng từng chứng khiến nhiều vụ việc tương tự, khi mà một số công ty danh tiếng lừa dối khách hàng, nhà đầu tư suốt thời gian dài, phủ bóng đen lên tương lai của các công ty này.
Gần đây nhất là vụ việc Kobe Steel – tập đoàn thép lớn thứ 3 của Nhật, thừa nhận đã làm giả dữ liệu về độ bền chắc của vật liệu nhôm và đồng do hãng sản xuất. Những vật liệu này của Kobe Steel đã được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ xe hơi Toyota, tàu cao tốc Hitachi, máy bay Boeing và thậm chí cả tên lửa vũ trụ. Dữ liệu bị làm giả một cách có hệ thống bị phát hiện tại tất cả 4 nhà máy nhôm tại Nhật của Kobe. Thậm chí có một số sản phẩm còn bị làm giả dữ liệu từ 10 năm trước.
Vụ việc chấn động này làm dấy lên những quan ngại về chất lượng, tính trung thực của các nhà sản xuất Nhật Bản – vốn nổi tiếng về chữ tín. Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, cổ phiếu Kobe sụt ngay 22%. Chỉ trong vòng 1 tuần, cổ phiếu này đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, khiến vốn hóa thị trường của công ty 112 năm tuổi “bay hơi” gần 2 tỷ USD.
Kobe cho biết đang lên kế hoạch bồi thường cho khách hàng nhưng hiện hãng này đã mất nhiều khách hàng lớn vào tay các đối thủ và đối mặt án phạt khổng lồ tại Mỹ nếu Bộ tư pháp nước này xem xét vụ việc dưới cấp độ hình sự. Tuy nhiên, thiệt hại quan trọng nhất là uy tín và danh tiếng Kobe nói riêng và các công ty Nhật nói chung đã gây dựng suốt hàng trăm năm qua.
Trước Kobe, bê bối bán sản phẩm kém chất lượng của hãng túi khí Takata của Nhật cũng khiến dư luận “nóng” lên một thời gian dài. Năm 2015, hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới bị phát hiện đã giấu kín thông tin về các sản phẩm bị lỗi trong suốt nhiều năm, thậm chí cả sau khi nhiều túi khí do hãng này sản xuất bị nổ gây thương vong cho người dùng.
Sau chuỗi ngày lao đao vì bê bối, cuối tháng 6 vừa rồi, công ty 84 năm tuổi phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau khi sản phẩm lỗi của hãng có liên quan tới 11 cái chết và dẫn đến thu rồi hàng chục triệu ôtô.
Năm 2015 cũng là năm một bê bối lớn khác của Toshiba bị phanh phui. Hãng công nghệ này thừa nhận đã khai man lợi nhuận lên ít nhất 1,2 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2008 tới 2014. Vụ bê bối khiến 3 chủ tịch của Toshiba bị sa thải, khiến công ty thua lỗ kỷ lục, buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên và bán nhiều mảng kinh doanh. Đầu năm nay, công ty con phát triển năng lượng hạt nhân của Toshiba đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Mới đây, hãng này cũng phải bán mảng kinh doanh chip nhớ với giá 18 tỷ USD.
Năm 2011, hãng sản xuất máy ảnh và cung cấp thiết bị y tế hàng đầu Nhật Bản Olympus bị tố cáo gian lận kế toán, che giấu những khoản lỗ kéo dài từ những năm 1990. Đến nay, hãng này đã vực dậy được doanh số mảng thiết bị y tế tăng trưởng mạnh nhưng sức ảnh hưởng trên sân chơi điện tử, đặc biệt là máy ảnh, đã không còn như xưa.
Sự thiếu trung thực không chỉ nằm ở các công ty sản xuất. Năm ngoái, gã khổng lồ ngành quảng cáo Nhật Bản Dentsu thừa nhận cố tình sai phạm trong thu phí với khách hàng suốt từ năm 2012. Sai phạm này liên quan đến cách Dentsu đặt quảng cáo kinh doanh trực tuyến thay mặt khách hàng. 633 trường hợp sai phạm đã bị phát hiện với tổng số tiền lên đến 230 triệu yen (tương đương 2,3 triệu USD). Dentsu đã phải gửi thông báo tới từng khách hàng và cam kết bồi thường.
Qua các vụ bê bối này, có thể thấy thiệt hại về tiền bạc là hệ quả nhãn tiền. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà các công ty này mất đi là lòng tin của khách hàng. Có thể một vài công ty trong đó vực dậy được nhờ chiến lược xử lý khủng hoảng bài bản, nhưng sự phản bội với khách hàng sẽ mãi là vết nhơ khó mờ của các doanh nghiệp này.