Bán lụa và kinh doanh nhà hàng siêu lợi nhuận nhưng công ty của Khải Silk lại “ôm” khoản lỗ hàng chục tỷ đồng một cách khó hiểu

Khăn lụa mang thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bị nhiều khách hàng tố có tới 2 nhãn mác là câu chuyện đang khiến truyền thông và những khách hàng của Khaisilk “bùng nổ” những ngày gần đây. Doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khải Silk trong cuộc trả lời phỏng vấn với Zing.vn đã thừa nhận thương hiệu được định danh là hàng xa xỉ này có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Việc bán hàng không rõ xuất xứ, đặc biệt với một thương hiệu lớn như Khaisilk đã tạo ra làn sóng phản đối từ người tiêu dùng và thực sự, uy tín của doanh nghiệp và đặc biệt là uy tín của ông Hoàng Khải đã bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này được chính người đứng đầu của Khaisilk thừa nhận sẽ tác động lớn đến hoạt động kinh doanh và tập đoàn này sẽ rơi vào khủng hoảng trong thời gian tới. Không những vậy, với số liệu chúng tôi có được, viễn cảnh khó khăn có thể khiến tình hình tài chính của đế chế kinh doanh này thêm trầm trọng.

Năm 25 tuổi, Hoàng Khải quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên tại số 113 Hàng Gai, Hà Nội. Định hình sản phẩm theo phân khúc cao cấp, theo chia sẻ của vị doanh nhân này, những sản phẩm của Khải Silk đều do chính ông thiết kế và thuê gia công từ các làng lụa nổi tiếng. Sự thành công của Khải Silk không chỉ kéo theo sự phát triển khu phố Hàng Gai, Hàng Bông, mà còn đưa thương hiệu này tới tầm quốc tế. Nhiều đoàn khác nước ngoài khi chọn sản phẩm lưu niệm trước khi rời Việt Nam đã chọn Khaisilk với những sản phẩm lụa “made in Vietnam”.

Hệ sinh thái này sau đó gắn liền với Công ty TNHH Khải Đức – doanh nghiệp hạt nhân chi phối lĩnh vực lụa và chuỗi nhà hàng cao cấp được doanh nhân Hoàng Khải phát triển sau đó.

Khải Đức được thành lập vào tháng 8/2002 – 13 năm sau khi cửa hàng Khải Silk đầu tiên mở cửa, với vốn điều lệ hiện tại là 46,5 tỷ đồng do Hoàng Khải sở hữu 99%. Ông Khải cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên của doanh nghiệp này.

Ban đầu Khải Đức là hạt nhân chính phụ trách hệ thống chi nhánh các cửa hàng Khải Silk. Cửa hàng Khải Silk tại địa chỉ 113 Hàng Gai, Hà Nội, đơn vị dính lùm xùm với vụ 60 chiếc khăn cũng là một trong số những trụ sở Chi nhánh Công ty TNHH Khải Đức tại Hà Nội.

Sau đó, khi Hoàng Khải mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và ẩm thực, Khải Đức cũng trở thành đầu mối đảm nhận thêm mảng nhà hàng cao cấp, với một số chi nhánh xuất hiện trong đăng ký kinh doanh như Nhà hàng Trung Hoa Minh tại 23 Nguyễn Khắc Viện, Nhà hàng Chăm số 2 Phan Văn Chương, Nhà hàng Nam Phan Đà Lạt tại số 7 Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), Nhà hàng Trung Hoa Thao Li tại Gian số 3SF-8-1, 3SB-9-1, 3SG-10-1, 3SH-11-1, 3ST-10-2, Nhà hàng Nam Phan tại 34 – 34A Võ Văn Tần.

Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng của những sản phẩm lụa Khaisilk được định danh là sản phẩm xa xỉ, hay những chuỗi nhà hàng cao cấp là tình hình tài chính không mấy sáng sủa của hạt nhân chi phối hoạt động của đế chế Khải Silk.

Theo số liệu chúng tôi có được, tính đến cuối năm 2016 khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp này ghi nhận hơn 47,7 tỷ đồng. Dù đang có chiều hướng giảm trong những năm gần đây khi Khải Đức có lãi, nhưng con số lỗ lũy kế hiện tại vẫn vượt quá vốn điều lệ của công ty. Hay nói đúng hơn, đế chế kinh doanh lụa và nhà hàng của Khải Silk hiện đã mất toàn bộ vốn góp do thua lỗ.

Năm 2016, doanh nghiệp này ghi nhận 33,5 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2015. Dù vẫn ghi nhận tới 24,9 tỷ đồng lợi nhuận gộp với tỷ lệ biên lợi nhuận đáng mơ ước 74% nhưng các khoản chi phí quá lớn khiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn gần 2 tỷ.

Theo đó, lợi nhuận ghi nhận trong năm 2016 chỉ hơn 1 tỷ đồng so với mức 6 tỷ đồng của năm trước. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của Khải Đức đến cuối năm 2016 vẫn đang âm hơn 1 tỷ đồng, toàn bộ tài sản hiện tại của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả.

Tuy nhiên, không chỉ Khải Đức, tình trạng tài chính bết bát cũng là thực trạng của những doanh nghiệp khác có liên quan đến Hoàng Khải, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải cũng là một cái tên trong số đó.

Được thành lập tháng 9/2008, hiện đăng ký trụ sở chính tại số 06 Phan Văn Chương (Q.7), công ty này đăng ký ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, phụ trách mảng cho thuê bất động sản – lĩnh vực được Hoàng Khải tập trung phát triển từ năm 2006 sau những thành công với Khải Silk. Tuy nhiên, tình hình tài chính của doanh nghiệp này cũng không mấy khác biệt so với Khải Đức.

Với tổng tài sản gần 120 tỷ đồng vào cuối năm 2016 nhưng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này âm gần 60 tỷ, toàn bộ tài sản hiện tại được tài trợ bằng gần 200 tỷ đồng nợ phải trả.

Kết quả kinh doanh của công ty này trong năm 2016 cũng không mấy tích cực. Dù doanh thu đạt gần 28 tỷ đồng, tăng 4 tỷ so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải lỗ gần 6 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng.

Theo đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này hiện có nhiều chi nhánh phụ thuộc như số 170 Nguyễn Văn Hưởng – Phường Thảo Điền, chi nhánh Siêu thị Con Cung tại 179-181-183 Nguyễn Đức Cảnh, khu phố 4 – Phường Tân Phong, chi nhánh Phở ông Khải tại 56 Nguyễn Đức Cảnh, Khu Phố Mỹ Khánh 3-H11-2 – Phường Tân Phong.

Khải Đức và Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải chỉ là 2 trong số khá nhiều công ty mà ông Hoàng Khải đang sở hữu/góp vốn. Một số công ty khác có thể kể đến như CTCP Kim Cương (toà nhà Saigon Paragon), Công ty TNHH Phở Ông Khải hay CTCP Đầu tư Khaisilk.

Bán khăn lụa “Made in China” nhưng quảng bá “Made in Vietnam”, KhaiSilk vi phạm những quy định gì?

Bài viết mới