Quan chức Triều Tiên: Thử hạt nhân lần 7 trên Thái Bình Dương là có thật

“Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên là người hiểu rõ ý đồ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Do đó, tôi cho rằng mọi người nên cân nhắc một cách nghiêm túc những phát ngôn của ông Ri”, CNN dẫn lời nhà ngoại giao Ri Yong Pil .

Hồi tháng trước, phát biểu tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho đã nhấn mạnh, Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch “có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay” trên Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hôm 3/9, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 liên quan tới bom nhiệt hạch hay còn gọi là bom H. Đây là vụ thử hạt nhân có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay do Triều Tiên tiến hành.

Ngay lập tức, hành động của Bình Nhưỡng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và buộc Hội đồng Bảo an LHQ quyết định gia tăng lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Cụ thể, LHQ đã hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên cũng như cấm các nước nhập khẩu mặt hàng may mặc của Triều Tiên.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã không ngừng leo thang. Thậm chí, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên còn nhiều lần khẩu chiến và đe dọa tấn công quân sự hủy diệt đối phương.

Liên quan tới vụ thử hạt nhân lần thứ 6 thành công, hồi đầu tháng 10, ông Ahn Dong Chu, phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên cho rằng, “chính Mỹ đã buộc Triều Tiên chế tạo bom nhiệt hạch” và nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển kho hạt nhân chừng nào mối đe dọa từ Mỹ vẫn còn.

Đáng nói, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục rơi vào khủng hoảng sau khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung cũng như Washington tăng cường điều động nhiều loại vũ khí tối tân tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lâu nay, Bình Nhưỡng vẫn xem các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ – Hàn là hành động khiêu khích cũng như chuẩn bị cho kịch bản tấn công và xâm lược Triều Tiên.

Về phần mình, chính phủ Mỹ dường như vẫn chưa thể thống nhất cách thức giải quyết căng thẳng với Triều Tiên. Cụ thể, Tổng thống Donald Trump nhiều lần ám chỉ cân nhắc giải pháp quân sự, thì các tướng Lầu Năm Góc và Ngoại trưởng Mỹ vẫn khẳng định ưu tiên giải pháp ngoại giao.

Gần đây nhất, Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh Mỹ đã “chuẩn bị mọi thứ” để giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng đã huy động 3 nhóm tác chiến tàu sân bay tới châu Á – Thái Bình Dương bao gồm USS Nimitz, chiếc tàu chiến lớn nhất trên thế giới và cũng là siêu tàu sân bay trong hải quân Mỹ.

Tướng cấp cao Triều Tiên “mất tích”, thế giới nín thở chờ đợi động tĩnh mới từ Bình Nhưỡng

Bài viết mới