Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 11,02% so với cuối năm ngoái, tương đương với phần tăng thêm là 609 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ở phía cung vốn, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đạt 9,59% so với cuối năm 2016, phần tăng thêm này tương đương 680 nghìn tỷ đồng.
Trong suốt năm 2016, tốc độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2 qua từng tháng luôn có xu hướng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng (mức chênh lệch nhỏ nhất là 0,3% tại thời điểm cuối tháng 11/2016 và lớn nhất là 2,69% tại thời điểm cuối tháng 4/2016). Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) diễn biến trong 9 tháng đầu năm nay đã cho thấy sự đảo chiều khi tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn so với tăng trưởng M2.
Mặc dù vậy, xét riêng trong quý III vừa qua, tổng phương tiện thanh toán M2 đã lại có xu hướng tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng (3,9% so với 3,48%). Chính điều này đã giúp cho phần chênh giữa tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng đạt 71.422 tỷ đồng tại thời điểm 20/9/2017 (mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay) thay cho mức -13.000 tỷ đồng vào thời điểm 20/6/2017.
Mặc dù không có đủ số liệu tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng hàng tháng nhưng qua việc theo dõi diễn biến lãi suất liên ngân hàng và sự cải thiện của quỹ dự trữ ngoại hối, BVSC cho rằng nhiều khả năng việc mở rộng cung tiền trở lại đã được NHNN thực hiện mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2017. Cụ thể, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đều đã giảm xuống mức rất thấp (0,75-1,25%/năm) trong hai tháng gần đây thay cho mức quanh 3%/năm hồi đầu tháng 7.
Ở một khía cạnh khác, theo thông tin mới nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào thời điểm cuối quý III đã đạt mức kỷ lục mới 45 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD so với thời điểm cuối quý II/2017 và cao hơn 6 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2016. Như vậy, riêng trong quý III, ước tính NHNN đã bơm ra một lượng tiền đồng lớn (khoảng 68.000 tỷ đồng) để mua ròng 3 tỷ USD. Để trung hòa rủi ro lạm phát do việc bơm tiền đồng ra để mua ngoại tệ, NHNN đã tích cực phát hành tín phiếu nhằm hút bớt tiền về. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, riêng trong quý III, nhà điều hành ở vị thế hút ròng 21.000 tỷ đồng.
Sự thặng dư của cán cân vốn nhờ dòng vốn FDI và FII đóng vai trò chính yếu giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện mạnh trong 9 tháng đầu năm nay. Giải ngân vốn FDI đạt 12,5 tỷ USD; tăng 13,4% YoY (year over year) trong khi vốn FII tiếp tục chảy mạnh vào TTCK Việt Nam với giá trị mua ròng của khối ngoại ở hai kênh trái phiếu và cổ phiếu ba quý vừa qua ước tính đạt 1,4 tỷ USD.
Ngoài ra, nguồn kiều hối được nhận định vẫn duy trì ở mức khả quan (riêng nguồn kiều hối về TP HCM trong 9 tháng đầu năm đạt 3,3 tỷ USD). Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để NHNN tăng cường mua vào USD.
Theo đánh giá của BVSC, mức kỷ lục mới của dự trữ ngoại hối sẽ là “tấm đệm” tốt, giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành linh hoạt tỷ giá, đồng thời góp phần tăng thêm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai.