Hình ảnh ông Hiroaki Honjo – Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 – đứng che ô hàng giờ dưới mưa, cúi đầu chào khách hàng tại cây xăng trong Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) khiến người tiêu dùng “cảm động” bởi trước nay, hầu như họ chưa bao giờ được đối xử như vậy. Thế nhưng, có lẽ còn rất lâu nữa, người tiêu dùng mới thực sự được thụ hưởng sự cạnh tranh về chất lượng lẫn giá cả khi đổ xăng, dù tại cây xăng nội hay ngoại.
Trạm Nhật, xăng Việt
Trở thành thương nhân phân phối ngoại đầu tiên trong hệ thống xăng dầu Việt Nam, Idemitsu Q8 trình làng cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội nhờ cam kết với Chính phủ khi trở thành cổ đông lớn trong Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Cây xăng đầu tiên của Nhật tại Việt Nam Ảnh: HUY THANH
Thực tế, khi ký kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với lý do an ninh năng lượng đặc biệt quan trọng, Việt Nam được phép không mở cửa thị trường xăng dầu cho nước ngoài trong tất cả các khâu kinh doanh, phân phối, xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, đối tác nước ngoài vẫn được góp vốn trong các dự án, công ty xăng dầu Việt Nam, như trường hợp Idemitsu Q8 thành cổ đông lớn của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hay Tập đoàn Năng lượng và Dầu khí Nhật Bản JX Nippon mua 8% cổ phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cam kết đặc cách cho phép các nhà đầu tư có quyền được phân phối sản phẩm do họ đầu tư sản xuất tại thị trường nội địa. Chính sách này cũng sẽ được áp dụng cho dự án lọc hóa dầu sau này. Như vậy, trạm xăng đầu tiên của Idemitsu Q8 cũng như chuỗi bán buôn, bán lẻ của họ dự kiến được hình thành tại Việt Nam sắp tới đây chính là để chuẩn bị cho lộ trình bán hàng của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sau khi đưa vào vận hành từ năm 2017.
Điều đáng quan tâm là từ tháng 5-2015, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương khẳng định chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy theo thiết kế không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Euro 4 và Euro 5. Như vậy, đến năm 2021, cả 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất và Nghi Sơn) đều chỉ sản xuất được xăng theo tiêu chuẩn Euro 2 và 3. Trong khi đó, xăng theo tiêu chuẩn Euro 2 sẽ ngừng bán từ đầu năm 2018, thay bằng xăng sinh học E5. Lúc ấy, Idemitsu Q8 cũng sẽ phải nhập ethanol về để phối trộn xăng E5 bán ra thị trường hoặc phải xin cấp quyền để nhập xăng RON 95 về bán bởi Nghi Sơn không sản xuất được.
Doanh nghiệp nội còn cơ hội?
Theo tìm hiểu của phóng viên, Chính phủ chỉ cho phép các đối tác ở Nghi Sơn lập doanh nghiệp (DN) phân phối xăng dầu do chính dự án sản xuất ở thị trường nội địa, chứ không cấp quyền xuất – nhập khẩu ra nước ngoài. Như thế, Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 sẽ chỉ được bán duy nhất nguồn xăng do Nghi Sơn cung ứng, tức là xăng RON 92.
Báo cáo của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng cho rằng việc bổ sung đầu tư các phân xưởng xử lý để đáp ứng lộ trình khí thải Euro 4, 5 chỉ có thể xem xét thực hiện sau năm 2021 do những cam kết về tiến độ của các hợp đồng vay vốn cho dự án. Như thế, nếu hợp đồng về tiêu thụ sản phẩm cùng với các yêu cầu của Chính phủ về lộ trình khí thải không được đàm phán và điều chỉnh, chưa rõ cây xăng Nhật sẽ bán loại xăng gì cho người tiêu dùng.
Có một đặc cách cho Idemitsu Q8 là trong giai đoạn chuẩn bị bán hàng trước khi nhà máy vận hành chính thức hoặc nếu nhà máy dừng hoạt động để bảo dưỡng, công ty có thể được cấp hạn ngạch xuất – nhập khẩu, với điều kiện phải xin phép cụ thể từng trường hợp. Nếu không có cơ chế nào khác, Idemitsu Q8 có thể rơi vào tình trạng… không có gì để bán!
Nhìn nhận về sự xuất hiện của cây xăng Idemitsu Q8, lãnh đạo một DN xăng dầu cho rằng đúng là DN nội cần phải rút ra cho mình bài học về cung cách phục vụ. “Tôi hiểu vì sao khi cây xăng Nhật ra đời, người tiêu dùng hưởng ứng nhiệt tình, thậm chí như thể “lên đồng”. Đúng là ngoài những hạn chế không thể khắc phục – như cây xăng ở nội đô có lượng khách hàng quá lớn, không thể phục vụ chu đáo – thì nhiều chỗ, nhiều nơi tuy không bị áp lực như thế song nhân viên vẫn còn có thái độ, cách phục vụ chưa tốt. Thậm chí, nhiều cây xăng của các chi nhánh xăng dầu nhỏ lẻ còn gian lận nữa” – ông thẳng thắn.
Theo lãnh đạo DN xăng dầu nêu trên, nếu cải thiện được điều này, cây xăng nội sẽ “ghi điểm”. Bởi lẽ, DN xăng dầu nội địa hiện vẫn chiếm ưu thế về hệ thống phân phối rộng khắp, quan trọng là giá xăng vẫn được điều hành chung theo Nghị định 83.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực I (Hà Nội), nhận định: “Thị trường xăng dầu hiện nay có cạnh tranh mà như không cạnh tranh”. Nguyên nhân là bởi cơ chế quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của thị trường xăng dầu. Giá bán vẫn do nhà nước điều tiết, dù là DN nội hay ngoại. Bởi vậy, sự xuất hiện của DN nước ngoài cũng chưa tạo ra sự phân hóa lớn, nhất là khi Idemitsu Q8 mới chỉ có 1 cửa hàng.
“Tuy bán xăng kiểu Nhật là áp lực với DN trong nước song không phải Idemitsu Q8 vào mà ta bị đánh động để phải thay đổi. Nếu họ không vào thì mình cũng phải cố gắng làm tốt hơn nữa vì hội nhập đang sâu rộng, khách hàng ngày càng khó tính” – ông Tiu nhìn nhận.
Không dễ có nhiều cây xăng Nhật
Theo Quyết định 5059 của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, chỉ 2 cửa hàng xăng dầu loại I, 9 trạm loại 2 và 9 trạm loại 3 được phép xây dựng. Do đó, các chuyên gia trong ngành cho rằng cơ hội để Idemitsu Q8 mở rộng các trạm xăng, đáp ứng được mong muốn thực hành các thao tác như cúi chào, lau kính xe… cho khách hàng là không nhiều khi mật độ dân cư tại nội đô quá đông. Chưa kể, các vị trí “ngon” đều không dễ giành giật, nhất là khi DN nội chắc chắn có kinh nghiệm hơn trong việc “đi gặp” lãnh đạo địa phương.
Với cơ hội mở cây xăng trên quốc lộ, Idemitsu Q8 sẽ phải làm việc với cơ quan chịu trách nhiệm quy hoạch là Bộ Công Thương. Song, bộ này chính là cơ quan chủ quản của Petrolimex – “anh cả” trên thị trường xăng dầu hiện nay.