Và giống như nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, khi một ngành đang trong xu thế phát triển mạnh thì những dịch vụ hay sản phẩm hỗ trợ sẽ có cơ hội tốt để bứt lên theo.
Các ứng dụng đẩy khuyến mại
Lực lượng tiêu thụ chính dòng sản phẩm trà sữa hiện nay là giới trẻ và dân văn phòng công sở, những người thường xuyên sử dụng laptop hay smartphone trong cuộc sống của họ. Nắm bắt được hành vi này, rất nhiều thương hiệu trà sữa đã phối hợp chạy chương trình của các ứng dụng phân phối deals, mã giảm giá nhằm tăng độ lan tỏa thương hiệu cũng như tăng doanh số theo từng chiến lược định sẵn.
Điển hình là ứng dụng tìm kiếm khuyến mãi và lấy mã giảm giá với gần 1 triệu người dùng Jamja. Startup này vừa hợp tác chiến lược với startup chuyên đánh giá nhà hàng và vận chuyển đồ ăn Foody. Với sự hợp tác chiến lược này, Jamja có thể tăng trưởng người dùng nhanh hơn bằng cách khai thác hàng triệu user của Foody. Đồng thời tập trung xây dựng các tính năng cốt lõi, khác biệt và hữu ích dành cho những người quan tâm đến “mua sắm và ăn uống tiết kiệm”.
CEO Jamja Lê Hùng Việt hồ hởi “khoe”: “Tập khách hàng của chúng tôi năm nay có rất nhiều các thương hiệu trà sữa, từ những thương hiệu lớn và lâu năm trên thị trường như Tocotoco, GongCha tới những thương hiệu mới nổi như Goky, Heekcaa… Những deals này thường khi đẩy ra tới users của chúng tôi thì được hấp thụ rất nhanh và tỷ lệ sử dụng mã giảm giá tại điểm rất tốt, có nơi xếp cả hàng dài”.
Việc phát mã giảm giá đang được áp dụng phổ biến bởi gần như mọi thương hiệu trà sữa mới ra thị trường hay những thương hiệu cũ mở điểm mới. Họ có thể chọn phát mã giảm giá trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày (gọi là giờ vàng) hoặc phát liên tục trong tuần khai trương, tháng ưu đãi.. Hoạt động này ít nhất giúp khách hàng biết tới cũng như có động lực đến trải nghiệm tại cửa hàng, điều vô cùng quan trọng trong “rừng trà sữa” hiện nay.
“Với xu hướng trà sữa năm nay, Jamja đang tổ chức một chiến dịch theo đó cả tháng 10 được gọi là tháng trà sữa với sự tham gia của hơn 20 thương hiệu nổi tiếng, mỗi thương hiệu sẽ có những ngày độc quyền trong tháng để đẩy ra những ưu đãi hấp dẫn tới cộng đồng khách hàng. Sự đồng ý hợp tác của các thương hiệu nổi tiếng cùng việc hệ thống Jamja lúc nào cũng quá tải trong việc tiếp nhận yêu cầu lấy mã giảm giá đủ minh chứng thấy thị trường trà sữa đang bùng nổ thế nào”, anh Việt nhận xét.
Các hệ thống quản lý bán hàng
Trong kinh doanh F&B nói chung và trà sữa nói riêng, việc kiểm soát chi phí và thất thoát là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi hoạt động kinh doanh phát triển thành chuỗi. Nếu không có quy trình và công cụ quản lý tốt, hao phí tính trên tổng hoạt động kinh doanh cả chuỗi thường rất lớn.
Trong bối cảnh đó, rất nhiều công ty công nghệ đã nhanh chân cung cấp các phần mềm quản lý bán hàng (POS) đến các quán ăn, nhà hàng, đặc biệt là các chuỗi. Với sự bùng nổ của các chuỗi trà sữa hiện tại, không gì nhanh gọn và hiệu quả hơn cho các nhà quản lý bằng việc hợp tác với bên thứ 3 cung ứng POS để gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Là đơn vị đối tác của nhiều thương hiệu trà sữa lớn như GongCha, Tocotoco, Royal Tea…, đại diện iPOS.vn, anh Nguyễn Thái Dương (trưởng phòng Marketing) cho biết: “Bên cạnh sự tăng trưởng tốt của phân khúc khách hàng theo mô hình nhà hàng và cà phê, năm nay chúng tôi chứng kiến sự đột phá trong số lượng khách hàng kinh doanh mô hình trà sữa. Không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn mà vô số thương hiệu mới được dựng lên ở các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ…
Các hãng trà sữa mới thường nhìn theo hệ thống của những thương hiệu lớn trên thị trường để trang bị theo như phần mềm hỗ trợ bán take-away, màn hình cảm ứng gọi đồ hay máy in tem nhãn, do đó chúng tôi có thể triển khai nhiều khách rất nhanh và theo một bài bản quy chuẩn.”
Tuy nhiên, khi các thương hiệu kinh doanh trực tiếp cạnh tranh ngày một gay gắt thì các doanh nghiệp này cũng đòi hỏi những “vũ khí” hiệu quả hơn so với đối thủ nhằm tăng trải nghiệm thực khách và tối ưu được doanh thu.
“Không chỉ dừng lại ở việc bán tại cửa hàng, ngày một nhiều các thương hiệu trà sữa muốn tối ưu đa kênh bán hàng như nhận đơn qua website, Facebook hay Zalo. Đơn cử như chuỗi Tocotoco, sau khi triển khai ứng dụng (app) trên di động đã tăng số đơn hàng online từ xấp xỉ 100 lên tới hơn 1.700 và tổng đơn hàng lên tới gần 40%. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ tạo gian hàng trên Zalo để đẩy đơn hàng online và tạo chính sách thành viên điện tử cho các nhãn. Hiện con số các thương hiệu đăng ký đã lên tới trên 100”, anh Dương cho biết.
Các trung tâm đào tạo pha chế
Giống như các mô hình F&B khác, ngành hàng trà sữa cũng rất khó khăn khi giải quyết vấn đề sản phẩm và nhân sự. Sản phẩm của các thương hiệu trà sữa hiện nay đang bị đánh giá là “gần như giống hệt nhau”, còn về nhân sự pha chế lẫn phục vụ thì vừa thiếu và vừa yếu. Cầu cao dẫn đến cung phải tăng tương ứng, số lượng các trung tâm pha chế ngày càng nở rộ, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Anh Hà Ngọc Phúc, Founder & CEO trung tâm pha chế đồ uống không cồn Vietblend cho biết: “Hiện nay trên thị trường, nguyên liệu cốt trà sử dụng pha chế trà sữa đa số được nhập từ các nguồn sản xuất trong nước với duy nhất 3 vị trà cơ bản, việc này gây hạn chế khi các hãng muốn tạo ra các loại trà sữa với hương vị khác nhau.
Nhiều quán vẫn lạm dụng sử dụng bột sữa và sirup vị nhưng các loại nguyên liệu này đã tồn tại rất lâu trên thị trường, gây ra cảm giác quen thuộc, không tạo ra khác biệt mới mẻ.
Hiện tại, đã có một số thương hiệu lớn trên thị trường bắt đầu sử dụng các nguyên liệu cao cấp, thơm ngon (cốt trà Đài Loan, sữa tươi, bột sữa New Zealand…) và tạo ra được sự khác biệt trong chất lượng.
Trong hơn 5000 học viên xuất thân từ trung tâm Vietblend, rất nhiều trong số đó đã ra mở các thương hiệu trà sữa mới khắp cả nước. Họ thường xuyên giữ liên lạc với đội ngũ giảng viên nhằm lắng nghe những lời khuyên trong quá trình vận hành. Mặt khác, nguồn nguyên liệu pha chế và máy móc chuyên ngành do chính các trung tâm đào tạo cung cấp thường đều được kiểm tra gắt gao và có chất lượng đảm bảo.
Về vấn đề nhân sự, anh Phúc cho rằng không chỉ riêng ngành trà sữa mà cả ngành F&B nói chung đều trong trạng thái thiếu thốn về nhân sự. Do là ngành đặc thù, chất lượng của sản phẩm, cụ thể ở đây là trà sữa phụ thuộc một phần vào tay nghề của người pha chế và ngân sách các đơn vị bỏ ra để chiêu mộ hiện chưa đủ hấp dẫn nhóm này. Đa phần, nhân sự làm tại các quán trà sữa đều là nhóm làm part-time (thường là nhóm đối tượng sinh viên). Nhóm này không có kĩ năng chuyên môn nên mất khá nhiều thời gian ban đầu để training.
Một điểm lưu tâm khác là việc sao chép công thức đang diễn ra tràn lan, nhất là với các thương hiệu mới mở hay thậm chí trong cộng đồng đào tạo pha chế với nhau. Chính điều này cũng đang góp phần khiến ít hãng muốn đầu tư vào R&D hơn để tạo ra những sản phấm mới và tiên phong trên thị trường.