Đây là chất xúc tác giúp Việt Nam chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững hơn

Theo đánh giá của ông Jeffrey Pirie, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Đông Nam Á, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2016 đạt 5,8 tỷ USD tại một hội thảo về lĩnh vực này mới diễn ra tại Tp.HCM. Nếu xét về tỷ trọng thì Việt Nam chỉ chiếm 5% tổng giá trị thị trường M&A tại Đông Nam Á nhưng so với quy mô GDP thì con số này đã là rất ấn tượng.

Chuyên gia này nhận định mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện dựa trên thâm dụng các yếu tố như nhân công, tài nguyên. Nếu Việt Nam muốn thay đổi động lực tăng trưởng để có tính cạnh tranh cao hơn, bền vững hơn, tức là dựa trên năng suất lao động thì M&A chính là chất xúc tác khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Cũng theo thống kê của hãng tư vấn này tại Việt Nam, mỗi năm Deloitte tư vấn cho khoảng từ 40 – 50 giao dịch M&A và nhận thấy nhiều khó khăn chủ quan khiến cho thương vụ bất thành xuất phát từ chính nội tại DN ở Việt Nam.

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính nhận xét phần lớn các DN trong nước chưa sẵn sàng cho M&A. Các chủ doanh nghiệp nội địa chưa xác định rõ M&A để làm gì (gọi thêm vốn, nhận thêm công nghệ hay tiếp cận kỹ năng quản trị). Tất cả các mục tiêu đều khá mơ hồ. Những kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp khi đưa ra đàm phán với đối tác ngoại thì tính khả thi không cao. Hệ thống sổ sách kế toán cũng không thống nhất như có hệ thống cho cơ quan thuế riêng và hệ thống khác cho nhà quản trị doanh nghiệp. Các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào một đến hai người trong khi cơ chế kiểm soát rủi ro chưa thật sự thuyết phục.

Nói về việc thu hút vốn, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Tập đoàn VNG cho rằng ngay trong ngành công nghệ đã thấy doanh nghiệp Việt cũng lép vế so với doanh nghiệp khác trong khu vực, việc huy động được 200 – 300 triệu USD cũng không hề dễ dàng vì phải vượt qua nhiều thủ tục quy định về quản lý nhà nước.

Một lý do tỷ lệ thương vụ M&A thành công tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn được lý giải là do cách nhìn của đôi bên trên bàn đàm phán. Dường như đa số đối tác Việt Nam đều nghĩ rằng nhà đầu tư ngoại chỉ tìm kiếm lợi ích tài chính ngắn hạn. Nhưng ông Jacob Hoyeon Won, đến từ một doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng điều này là hiểu lầm, giới kinh doanh Hàn QUốc khồng chỉ tìm kiếm lợi ích tài chính ngắn hạn mà còn mong muốn nhìn thấy một doanh nghiệp có tăng trưởng lâu dài.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng dược xem là nơi sôi động nhất của thị trường M&A. Hàng loạt những thương vụ thành công có thể kể đến như Kinh Đô, Nguyễn Kim, Big C,.. Theo ông Richard Fitton thuộc công ty chứng khoán Bản Việt, sở dĩ nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam vì tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, quy mô dân số lớn, GDP/đầu người ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng. Điều này góp phần báo hiệu cho chu kỳ sinh lời dài hạn cho các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội.

Ngoài ra trong điều kiện kinh tế toàn cầu hiện nay với lãi suất ngày càng trở nên kém hấp dẫn ở các nước phương Tây và Nhật Bản, tình hình kinh tế và chính trị bất ổn ở các quốc gia BRICs (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), và bất ổn chính trị ở các nước ASEAN như Thái Lan và Malaysia, đã khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các thị trường cận biên như Việt Nam, tìm kiếm cơ hội sinh lời và một thể chế chính trị ổn định.

Việc bỏ trần sở hữu nước ngoài (FOL) dành cho các công ty niêm yết, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có sự linh hoạt hơn trong việc mua/bán cổ phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư tài chính cũng sẽ giúp các hoạt động M&A ngày càng gia tăng.

Doanh nghiệp nội địa làm chủ nhiều thương vụ M&A quy mô lớn

Bài viết mới