Công ty Cổ phần Vinaconex 39 (mã CK: PVV) đã công bố BCTC quý 3/2017 với khoản lỗ hơn 18 tỷ đồng – Ghi nhận quý kinh doanh thứ 7 liên tiếp không có lãi.
Riêng quý 3/2017 doanh thu thuần hơn 10 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty chịu lỗ gộp 7,86 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính không đáng kể trong khi chi phí của hoạt động này là hơn 7 tỷ đồng, chi phí QLDN gần 2,6 tỷ đồng và khoản lỗ khác 967 triệu đồng khiến PVV lỗ ròng 18,4 tỷ đồng trong quý 3/2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần đạt 82,7 tỷ đồng tăng 16,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 8,7 tỷ đồng cao gấp 2 lần so với quý 3/2016. Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh chỉ còn 180 triệu đồng so với 5,4 tỷ đồng cùng kỳ do không còn khoản lợi tức ủy thác trong khi chi phí của hoạt động vẫn ở mức gần 22 tỷ đồng cộng thêm khoản lỗ khác 3,7 tỷ đồng nên mặc dù chi phí bán hàng và chi phí QLDN giảm mạnh so với cùng kỳ cũng không cứu vãn được khoản lỗ ròng hơn 28 tỷ đồng.
Năm 2017, Vinaconex 39 đặt kế hoạch doanh thu gần 350 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 12,16 tỷ đồng so với mức thua lỗ gần 41 tỷ đồng năm 2016. Đồng thời phấn đấu tăng dần mục tiêu đến năm 2021 đạt 750 tỷ đồng doanh thu và 65,75 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trên sàn niêm yết giá cổ phiếu PVV hiện chỉ còn 1.700 đ/CP với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt 231.080 cổ phiếu.
PVV tiền thân là CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng công trình giao thông Miền Bắc thành lập năm 2007. Công ty chủ yếu triển khai thi công các hợp đồng kinh tế trong và ngoài ngành dầu khí có giá trị lớn và trọng điểm cũng như tham gia vào lĩnh vực đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản với hàng loạt hệ thống trạm trộn bê tông thương phẩm. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC đã đổi tên thành Công ty cổ phần Vinaconex 39 – việc đổi tên liệu có giúp PVV đổi vận đang là câu hỏi lớn trong giới đầu tư.