Thị trường trái cây bao giờ được quản lý?

Mất tiền mua “niềm tin ảo”

Chị Trần Bảo Linh, ở Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội bày tỏ, trước mỗi thông tin về trái cây không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), trái cây Trung Quốc nhưng lại “đội lốt” trái cây Việt bán tràn lan trên thị trường khiến chị rất lo lắng. “Trái cây hiện không thể thiếu trong số thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của mỗi gia đình. Trong khi đó, đây lại là loại thực phẩm ăn luôn mà không chế biến, nên nếu trái cây nhiễm dư lượng thuốc hay mất ATTP thì rất nguy hại cho sức khỏe. Nhưng, người tiêu dùng chúng tôi hiện cũng không biết mua trái cây thực sự đảm bảo về nguồn gốc cũng như ATTP ở đâu, chỉ biết mua bằng “niềm tin ảo” với hy vọng người bán sẽ có tâm”, chị Bảo Linh chia sẻ.

Không chỉ chị Linh, mà hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô hiện đều rơi vào cảnh tương tự. Chị Nguyễn Minh Châu, ở khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, gia đình chị có 2 con nhỏ nên nhu cầu sử dụng trái cây cho gia đình hàng ngày là không thể thiếu. Nhưng, để tìm được một địa chỉ, một cửa hàng mua trái cây thực sự đảm bảo chất lượng rất khó.

Hà Nội có dẹp được tình trạng trái cây bán rong, không rõ nguồn gốc?

Hà Nội có dẹp được tình trạng trái cây bán rong, không rõ nguồn gốc?

“Tôi hay mua trái cây của vài địa chỉ quen với hy vọng mong manh là trái cây đảm bảo ATTP, đặt niềm tin mong manh vào “tâm” của người bán nhưng nói thực cũng không mấy tin tưởng. Mỗi lần mua về đều phải ngâm hết bằng nước muối loãng, dù biết cũng không có tác dụng nhiều song xem như một giải pháp trấn an”, chị Minh Châu bày tỏ.

Thị trường kinh doanh trái cây hiện đã rơi vào cảnh bát nháo, không có sự quản lý hoặc có nhưng cũng như không. Người tiêu dùng mua trái cây trong sự hoang mang về nguồn gốc cũng như chất lượng nhưng vẫn phải sử dụng. Không chỉ các cửa hàng kinh doanh trái cây trên phố, mà trên các diễn đàn mạng, trái cây cũng được rao bán tràn lan, từ trái cây khắp các vùng miền trong nước đến trái cây nhập khẩu và đặc biệt, ai cũng có thể kinh doanh trái cây. Không ai có thể khẳng định về nguồn gốc cũng như chất lượng của những loại trái cây này.

“Chợ quê”, một diễn đàn mạng thu hút hơn 100.000 thành viên tham gia mua bán các loại, chủ yếu là thực phẩm thường xuyên có những chủ shop xả hàng trái cây với giá rẻ giật mình, hoặc bán theo hình thức “lố”, mua cả thùng giá rẻ. Là một trong những tín đồ thường xuyên “săn” đồ trên mạng, chị Nguyễn Gia Linh (ở Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thi thoảng chị lại đặt mua trái cây “ngoại” trên diễn đàn Chợ quê với giá rất rẻ, lúc thì kiwi, lúc thì nho Mỹ, hay cherry…

“Thực ra mua trên mạng hay mua ở ngoài thì mình cũng có biết thực chất là mình đang ăn trái cây của nước nào, chất lượng ra sao đâu vì cũng không ai quản lý. Còn mua trên mạng cũng may rủi lắm, như có đợt “lùm xùm” vụ cherry hết “date” được 1 nhà nhập khẩu trái cây lớn xả hàng cho các shop bán lẻ trên mạng, song rồi cũng không đơn vị nào vào cuộc xem thực hư ra sao. Rút cuộc chỉ người tiêu dùng lãnh đủ với tình trạng kinh doanh trái cây bát nháo như hiện nay”, chị Gia Linh nhìn nhận.

Đề án quản lý bao giờ thành hiện thực?

Để quản lý cũng như siết chặt tình trạng lộn xộn, mù mờ trong kinh doanh trái cây, trước hết tại 12 quận nội thành, Hà Nội đã ban hành “Đề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” với mục tiêu để người tiêu dùng không còn phải lo lắng mỗi lần mua trái cây về sử dụng. Kế hoạch triển khai Đề án cũng đã được UBND TP Hà Nội ban hành, với mục tiêu trong năm 2017, 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành có đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Hà Nội có thực sự dẹp được tình trạng trái cây bán rong, không rõ nguồn gốc?

Hà Nội có thực sự dẹp được tình trạng trái cây bán rong, không rõ nguồn gốc?

Ngoài ra, người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định… Hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô hy vọng Đề án nhanh chóng triển khai và thành hiện thực, để không phải mất tiền nhưng vẫn mua phải trái cây “bẩn”.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Đề án sẽ được triển khai thực hiện đến hết năm 2018. Cụ thể, từ nay đến tháng 2-2018 sẽ đẩy mạnh tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, kiến thức ATTP, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường kết nối, hỗ trợ xây dựng chuỗi kết nối cung ứng tiêu thụ trái cây an toàn. Từ tháng 3 đến tháng 12-2018, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện đúng quy định nêu tại Đề án.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, Sở vừa đề nghị sở, ngành liên quan, UBND 12 quận nội thành công khai thông tin cơ sở trồng cây ăn quả; danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây nhằm triển khai Đề án.

Chị Nguyễn Đặng Hải Yến, một tiểu thương kinh doanh trái cây trên phố Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất hoan nghênh Đề án này của UBND TP, và hy vọng sớm được triển khai vào thực tế chứ không chỉ hô hào rồi để đấy. Tình trạng kinh doanh trái cây vỉa hè, không rõ nguồn gốc xuất xứ cần được dẹp bỏ từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới làm”.

Không chỉ chị Hải Yến, mà hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô đều mong muốn Đề án được triển khai và mang lại hiệu quả. Sẽ khá khó khăn để dẹp bỏ hết tình trạng kinh doanh trái cây vỉa hè, bán rong không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng vì sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiên quyết và duy trì lâu dài.

Sự thật con số 18.000 tỷ trái cây ngoại nhập về Việt Nam

Bài viết mới