Các ngân hàng liên tục thay “tướng”

Trong thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những thông tin thay đổi nhân sự cấp cao tại các ngân hàng.

Tại Agribank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định bổ nhiệm ông Trần Trọng Dưỡng, Giám đốc Agribank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh giữ chức Trưởng ban Kiểm soát Agribank; Bổ nhiệm ông Trần Văn Dự, Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Tây giữ chức Phó Tổng giám đốc Agribank; Bổ nhiệm ông Lê Xuân Trung, Trưởng ban Khách hàng lớn Agribank giữ chức Phó Tổng giám đốc Agribank.

Như vậy ban Tổng giám đốc của Agribank hiện có ông Tiết Văn Thành là Tổng giám đốc cùng 9 Phó Tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Phượng, ông Nguyễn Minh Phương, các ông Nguyễn Hải Long, Trương Ngọc Anh, Phạm Toàn Vượng, Phạm Đức Tuấn, Tô Đình Tơn và hai ông vừa được bổ nhiệm. Chủ tịch hội đồng thành viên của ngân hàng là ông Trịnh Ngọc Khánh.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, làn sóng thay “tướng” diễn ra mạnh mẽ hơn. Vừa qua, Hội đồng quản trị ABBank đã ra quyết định bổ nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với ông Đỗ Lam Điền từ ngày 8/8/2017. Đồng thời, miễn nhiệmchức danh Phó tổng giám đốc đối với ông Bùi Trung Kiên từ ngày 8/8/2017.

Ban điều hành của ABBank hiện có 6 thành viên, Tổng giám đốc là ông Cù Anh Tuấn, và có thêm 5 Phó tổng giám đốc khác bao gồm: ông Hà Huy Cường, bà Phạm Thị Hiền, ông Nguyễn Mạnh Quân, bà Nguyễn Thị Hương và ông Đỗ Lam Điền.

Ngân hàng NCB cũng vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc thông qua kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2017 dự kiến vào tháng 10 tới. Mục đích của cuộc họp là bổ sung 3 thành viên HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ 2015 – 2020 nhằm hoàn thiện cơ cấu của HĐQT.

Ngày 2/8 vừa qua, HĐQT NCB đã bổ nhiệm ông Lê Hồng Phương giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc kể từ ngày 02/8/2017 đồng thời thực hiện thủ tục trình Thống đốc NHNN phê duyệt chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Lê Hồng Phương. Cùng ngày, NCB cũng đã chấp thuận việc miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám Đốc khu vực Miền Nam đối với ông Tạ Ngọc Đa theo nguyện vọng cá nhân.

Song nóng nhất từ đầu năm 2017 đến nay có lẽ là nhân sự cấp cao tại 2 ngân hàng Sacombank và Eximbank vốn là những ngân hàng có ban điều hành “cồng kềnh”. Mới đây, Eximbank đã công bố thông tin miễn nhiệm cùng lúc 8 Phó tổng giám đốc gây xôn xao thị trường.

Từ 15 thành viên trong Ban Tổng giám đốc giảm xuống còn 7 thành viên, trong đó có một Phó tổng giám đốc mới bổ nhiệm là ông Võ Quang Hiển, người được cất nhắc từ vị trí Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn của ngân hàng này.

5 thành viên nguyên là Phó tổng giám đốc được điều chuyển sang vị trí mới là Giám đốc cấp cao; 04 thành viên bị miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc, gồm: Nguyễn Quốc Hương, Lê Hải Lâm, Bùi Đỗ Bích Vân, Nguyễn Quang Triết được chấp thuận cho nghỉ việc theo nguyện vọng.

Theo Eximbank, việc tái sắp xếp này là một phần của các khởi xướng chiến lược trung và dài hạn của Ngân hàng thuộc dự án “Eximbank Mới”.

Còn tại Sacombank, Saccombank đã “thay máu” hàng loạt lãnh đạo cấp cao tại Sacombank Lào, Campuchia và Công ty Kiều hối Sacombank (SBR).

Ngân hàng miễn nhiệm các thành viên HĐQT của Sacombank Lào gồm ông Nguyễn Gia Định (chủ tịch); ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó chủ tịch); ông See Chin Thye, ông Trần Quang Khang (cùng là thành viên HĐQT) và ông Phạm Quang Phú thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ngân hàng công bố HĐQT Sacombank Lào mới nhiệm kỳ 2017 – 2019 gồm ông Nguyễn Ngọc Tuấn là chủ tịch, ông Trịnh Văn Tỷ và ông Nguyễn Thúc Vinh là phó chủ tịch. Ông Phạm Quang Phú được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc và Bà Oulayphoen Songeun làm thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc.

Như vậy HĐQT của Sacombank Lào có ông Nguyễn Ngọc Tuấn và ông Phạm Quang Phú là người của nhiệm kỳ trước, trong đó ông Phú vẫn là Tổng giám đốc còn ông Tuấn từ phó chủ tịch lên chủ tịch HĐQT.

Ở Sacombank Campuchia, ngân hàng cũng miễn nhiệm HĐQT và bổ nhiệm bộ máy mới cho giai đoạn 2017-2021. Trong đó ông Trịnh Văn Tỷ là chủ tịch HĐQT (nhiệm kỳ cũ là phó chủ tịch); ông Nguyễn Nhị Thanh là thành viên kiêm Tổng giám đốc (tương tự nhiệm kỳ cũ). Các thành viên còn lại gồm ông Dương Thế Nhựt Xuân (thành viên độc lập); ông Nguyễn Thúc Vinh (người mới – độc lập); ông Chhuon Chhen (mới) và ông Nguyễn Văn Minh (mới).

Trong một quyết định khác, Sacombank quyết định cho ông Lê Minh Tâm thôi làm chủ tịch công ty TNHH MTV Kiều hối ngân hàng Sacombank, đồng thời bổ nhiệm ông Tâm làm Tổng giám đốc công ty này từ ngày 3/8.

Ông Phan Quốc Huỳnh, vừa được điều chuyển từ công ty chứng khoán Sacombank (SBS) sang làm Phó Tổng giám đốc Sacombank cuối tháng 7, nay được giao thêm nhiệm vụ chủ tịch công ty kiều hối của Sacombank từ 3/8/2017.

Trước khi có các quyết định liên quan nhân sự ở các công ty con, ngân hàng Sacombank cũng đã có hàng loạt các quyết định thay đổi nhân sự ở ngân hàng mẹ, trong đó có việc thay chủ tịch HĐQT, thay Tổng giám đốc, miễn nhiệm một loạt các phó tổng giám đốc là người cũ của Ngân hàng Phương Nam chuyển tới.

Hiện trong HĐQT của Sacombank có ông Dương Công Minh là chủ tịch HĐQT, ông Minh còn đang là chủ tịch của CTCP Tập đoàn Him Lam – một đại gia trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra HĐQT và Ban kiểm soát cũng có sự tham gia của các cựu cán bộ của Vietcombank.

Theo thống kê của chúng tôi, kể từ đầu năm đến nay ngoài Sacombank, còn hàng loạt nhà băng khác thay Tổng giám đốc như SaigonBank, VietABank, SeABank.

Theo đó, bà Trần Thị Việt Ánh thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của SaigonBank để nghỉ hưu từ ngày 12/6/2017. Thay vào đó, ngân hàng bổ nhiệm ông Vũ Quang Lãm giữ chức vụ Tổng Giám đốc thay bà Ánh. Ông Lãm là một trong ba nhân sự được ĐHĐCĐ SaigonBank bầu bổ sung tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 vào ngày 8/6 vừa qua.

Tại SeABank, đầu tháng 7 HĐQT ngân hàng đã bổ nhiệm ông Lê Văn Tần – Phó Tổng Giám đốc giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ngân hàng thay thế ông Đặng Bảo Khánh, hiệu lực từ ngày 5/7/2017.

Trước đó, VietABank cũng đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo, Phó tổng giám đốc thường trực làm quyền Tổng giám đốc từ 21/3. Ông Hảo được bầu làm CEO nhà băng này thay cho ông Lê Xuân Vũ xin nghỉ việc vì lý do cá nhân sau gần 5 tháng giữ vị trí Tổng giám đốc VietABank.

Từ những trường hợp trên, giới phân tích cho rằng, sự xáo trộn những chiếc ghế nóng trong ngành ngân hàng được xem là chuyện tất yếu, gắn liền với mục tiêu, chiến lược mới của các nhà băng và được dự báo sẽ còn rầm rộ hơn trong thời gian tới.

Bài viết mới