Kỳ vọng cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa các cổ đông sẽ kết thúc sớm
Trong nhiều năm qua, việc Đại hội đồng cổ đông của CTCP Văn Hoa Phương Nam (mã PNC ) được tiến hành thành công ngay trong lần đầu tiên trở thành xa xỉ với doanh nghiệp này. Nguyên nhân chính yếu là các cổ đông lớn không thông qua đa số thậm chí không thông qua bất kỳ nội dung nào được trình tại Đại hội, hoặc không đủ tỷ lệ cổ đông đại diện cho cổ phần có quyền biểu quyết theo luật định để tiến hành đại hội.
Song song đó, cổ phiếu PNC bị tạm ngưng giao dịch, bị kiểm soát, bị cảnh báo vì vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường, mà ẩn chứa sau đó được cổ đông của PNC cho rằng là do sự bất hợp tác của các nhóm cổ đông lớn, cuộc chiến tố cáo, kiện tụng khởi nguồn từ cổ đông.
Cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa các nhóm cổ đông đã kìm hãm sự phát triển của PNC và đưa PNC trở nên “nổi tiếng” hơn nữa trên chứng trường và cả lĩnh vực văn hóa.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất
Ngay trong báo cáo tổng kết năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017, ban lãnh đạo PNC đã thừa nhận rằng điểm yếu của PNC là “việc tranh giành quyền lợi và nảy sinh mâu thuẫn giữa một nhóm cổ đông lớn với các cổ đông nhỏ đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh tiếng của thương hiệu PNC, gây ra một số bất lợi đối với hoạt động kinh doanh của Công ty”.
Giá cổ phiếu PNC đã rớt xuống khỏi mệnh giá, chạm đáy 9.010 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/07/2017, sau đó bắt đầu hành trình tăng giá, đến ngày 25/09/2017, đạt mức 23.000 đồng/cổ phiếu, tăng 155%, gần chạm đỉnh của hơn 10 năm trước và hiện đang ở mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu (ngày 20/10/2017).
Nguồn: Số liệu tổng hợp
Cơ cấu cổ đông PNC cô đặc. Vì vậy, việc ban lãnh đạo cho rằng có sự tranh giành quyền lợi và nảy sinh mâu thuẫn giữ một nhóm cổ đông lớn (2 tổ chức và 1 cá nhân nắm giữ gần 60% cổ phần) với các cổ đông nhỏ (1 tổ chức và nhóm cổ đông nội bộ nắm giữ hơn 32% cổ phần – PV) là chưa hợp lý và hành trình tăng giá và giảm giá cổ phiếu PNC chỉ nhờ các giao dịch vài chục đến vài trăm cổ phiếu có thể xem là bất thường.
Bất thường hơn nữa, khi vào ngày tạm hoãn tổ chức Đại hội cổ đông bất thường lần 3, ngày 17/10/2017, một loạt 5 thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban Kiểm soát bao gồm cả Chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban Kiểm soát cùng người nhà đã đăng ký bán sạch 16,85% cổ phần PNC, từ ngày 20/10 đến ngày 14/11/2017, cùng lý do giải quyết công việc riêng.
Bảng tổng hợp nhóm 8 cổ đông đăng ký thoái toàn bộ vốn tại PNC ngày 17/10/2017
Tuy nhiên, nếu PNC đang “thay máu” thì việc nhóm cổ đông nói trên đăng ký thoái vốn hết cổ phần PNC là điều dễ hiểu. Nguồn tin của BizLIVE tiết tộ, nhóm nhà đầu tư với thế lực tài chính mạnh đang trong giai đoạn hoàn tất mua lại cổ phần PNC, tiến đến thâu tóm công ty này.
Cổ đông nhà nước Tổng Công ty Công nghiệp – In – Bao bì Liksin – TNHH MTV hiện đang nắm giữ 15,38% cổ phần PNC, xác định đầu tư vào PNC là đầu tư lâu dài. Vì vậy, nếu sự xuất hiện của nhà đầu tư mới tại PNC đủ để nắm cổ phần đa số tại PNC như thông tin đã chia sẻ, hay tạo ra sự đồng thuận với 3 nhóm cổ đông lớn còn lại là Liksin, Trường Phát và Thành Vinh, kỳ vọng cuộc chiến tranh giành giữa các nhóm cổ đông lớn sẽ kết thúc, PNC sẽ có một thời kỳ phát triển mới.
PNC có gì hấp dẫn các nhà đầu tư?
Được thành lập vào năm 1982, tiền thân là Công ty Văn hóa Dịch vụ tổng hợp quận 11, thuộc phòng Văn hóa Thông tin Quận 11, năm 1989, PNC được chuyển thành công ty cổ phần với tên gọi là CTCP Sản xuất Kinh doanh vật phẩm văn Hóa Phương Nam với vốn điều lệ 35 tỷ đồng, trong đó Nhà nước năm giữ 35%.
Năm 2004, PNC đón thêm cổ đông mới, tăng vốn điều lệ lên thành 20 tỷ đồng và đổi tên công ty thành CTCP Văn Hóa Phương Nam.
Ngày nay, PNC có vốn điều lệ 110,4 tỷ đồng, tổng tài sản 596,4 tỷ đồng, được cho là sở hữu một trong những chuỗi cửa hàng sách bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam với khoảng gần 35 cửa hàng quy mô lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Hải Phòng, Bình Dương, Huế. Hầu hết, các cửa hàng sách, tập chí, báo, DVD, truyện tranh, quà tặng, trò chơi và đĩa nhạc.
Bất động sản đầu tư của PNC tại ngày 31/12/2016 được kiểm toán
PNC đang sở hữu 20% Megastar (CGV) chuyên về nhập khẩu phim, rạp chiếu phim. Đến cuối năm 2016, Megastar đã nâng tổng số cụm rạp tại Việt Nam lên 38 cụm với 247 phòng chiếu. Năm 2016, Megastar ghi nhận gần 93,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Đây có thể xem là con gà đẻ trứng vàng của PNC.
Đối với lĩnh vực kinh doanh nhà sách, mặc dù năm 2016, PNC đã mở thêm 12 cửa hàng sách PNC trên cả nước, nhưng việc mở thêm nhà sách mới hay dừng mở thêm nhà sách, tập trung vào hướng phân phối trực tuyến là một phần của mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn tại PNC.
Thông tin về nhà đầu tư mới của PNC được hé lộ là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp trên thị trường TP. Hồ Chí Minh ở khắp các vị trí đắc địa của thành phố. Vậy phải chăng nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi lĩnh vực phát hành sách, phân phối văn hóa phẩm, xử lý hậu kỳ phim, hay hệ thống rạp CGV ở Việt Nam?
Giới phân tích cho rằng, việc đang sở hữu 20% tại cụm rạp CGV ở Việt Nam và số ít bất động sản nằm rải rác ở các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh đang được PNC ghi nhận trên sổ sách kế toán với giá trị thấp có thể là món đầu tư hấp dẫn cũng là nơi khởi nguồn của các xung đột lợi ích tại PNC. Bởi 20% cổ phần tại cụm rạp CGV tại Việt Nam hiện được giới tài chính định giá khoảng 70-80 triệu USD, thậm chí có nơi lạc quan đến mức cho rằng nó có giá 100 triệu USD, tức khoảng 1.800 – 2.200 tỷ đồng, gần gấp 3 ~ 4 lần tổng tài sản của PNC hiện nay.