Phó TGĐ FPT: FPT Retail sẽ niêm yết trước tháng 4/2018, hé lộ lý do lựa chọn VinaCapital và Dragon Capital

Tuần trước, FPT đã công bố bán 30% cổ phần của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT – FPT Retail, đơn vị chủ quản hệ thống FPT Shop cho 2 công ty quản lý quỹ VinaCapital và Dragon Capital. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương và Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp về một số thông tin liên quan đến thương vụ này.

Tại sao FPT vẫn giữ lại 45% cổ phần của FPT Retail mà không thoái vốn với tỷ lệ cao hơn? Với việc tiếp tục là cổ đông lớn nhất thì FPT có kỳ vọng gì đối với FPT Retail trong các năm tới?

Ông Nguyễn Thế Phương: Trước đây, khi thực hiện chiến lược thoái vốn, chúng tôi cũng đã cân nhắc nhiều phương án với các yếu tố thuận lợi, khó khăn. Chẳng hạn như quy định hiện nay về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì các công ty bán lẻ sẽ gặp khó khăn lớn trong mở rộng phát triển kinh doanh nếu có nhà đầu tư nước ngoài chiếm sở hữu đa số.

Hay là tham vọng mở rộng phát triển kinh doanh của Ban lãnh đạo FPT Retail. Do đó, chúng tôi đã làm việc với tư vấn và quyết định đưa ra phương án như vậy để đảm bảo lợi ích của cổ đông và các bên liên quan. Trong quá trình làm việc vừa qua, Ban lãnh đạo FPT Retail đã trình bày kế hoạch phát triển mạnh mẽ FPT Retail trong những năm tới và đã thuyết phục được các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng rất tin tưởng vào Ban lãnh đạo FPT Retail và kế hoạch phát triển này.

Ông có thể cho biết giá trị của thương vụ này?

Ông Nguyễn Thế Phương: Theo thỏa thuận với các nhà đầu tư chúng tôi xin phép không công bố thông tin chi tiết của thương vụ. (Quỹ VOF thuộc VinaCapital đã thông báo đầu tư 11 triệu USD vào FPT Retail nhưng không công bố tỷ lệ sở hữu – PV).

Vì sao FPT lại bán 30% cổ phần cho 2 nhà đầu tư tài chính mà không phải là một đối tác trong cùng ngành với FPT Retail? Bán cổ phần cho VinaCapital và Dragon Capital mang lại lợi ích gì cho FPT cũng như FPT Shop?

Ông Nguyễn Thế Phương: Sau quá trình tìm kiếm và trao đổi với các nhà đầu tư tiềm năng, chúng tôi nhận thấy đây là hai nhà đầu tư phù hợp. Họ tin tưởng và ủng hộ chiến lược phát triển của FPT Retail trong những năm tới. Với kinh nghiệm của mình hai nhà đầu tư này sẽ có những đóng góp tích cực về mặt quản trị cho FPT Retail, đặc biệt khi công ty niêm yết.

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Khi chúng tôi chọn lựa nhà đầu tư không kỳ vọng nhà đầu tư tạo ra sự thay đổi hay can thiệp sâu vì các kế hoạch, định hướng của FPT Retail vẫn đang được triển khai và thu được kết quả tốt.

Bên cạnh đó, Dragon Capital và VinaCapital đã nhận thấy những triển vọng từ chiến lược, cam kết hiện tại của chúng tôi và ủng hộ hướng đi đó. Thậm chí, nhà đầu tư còn cam kết hỗ trợ giới thiệu FPT Retail hợp tác với các công ty trong danh mục mà họ đang đầu tư.

Khi nào FPT sẽ triển khai thoái vốn tại FPT Trading?

Ông Nguyễn Thế Phương: Mảng phân phối, hiện đang đến những vòng đàm phán cuối cùng với đối tác chiến lược. Chúng tôi kỳ vọng trong năm nay sẽ hoàn tất.

Khi nào FPT sẽ triển khai thoái tiếp 10% vốn còn lại cũng như cách thức thoái vốn? FPT Retail sẽ niêm yết trên TTCK vào năm tới?

Ông Nguyễn Thế Phương: Việc triển khai bán tiếp tối đa 10% cho các nhà đầu tư khác sẽ được triển khai ngay sau đây. FPT Retail cũng đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu FPT Retail tại Sở GDCK HCM chậm nhất là vào tháng 4 năm 2018.

TGDD ngày càng tiến xa trong ngành bán lẻ, mở rộng sản phẩm nhanh, FPT Shop định làm gì để thu hẹp khoảng cách khi mà doanh thu của FPT Shop hiện chỉ bằng 1/5? FPT Shop có dự định kinh doanh thêm các ngành nghề khác khi mà lĩnh vực thiết bị điện tử bắt đầu tăng trưởng chậm lại?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: FPT Retail đã đi sau rất xa so với các thương hiệu hàng đầu hiện nay và bất lợi về thời gian rất lớn, tuy nhiên sau 5 năm, FPT đã vươn lên vị trí số 2 và hiện nếu xét theo tỷ lệ doanh thu/m2 diện tích sàn, FPT Shop đang là chuỗi bán lẻ hiệu quả nhất với doanh thu 15.717 USD/m2. Trong 7 tháng đầu năm 2017, FPT Shop thu về hơn 35 tỷ đồng mỗi ngày, con số này của năm 2016 là 27 tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong một ngành nghề, khi có 2-3 nhà bán lẻ chiếm 60 – 70% thị phần thì cửa đi nữa là không có. Muốn phát triển thì phải mở chuỗi ở nước ngoài hoặc phải mở gì mới. Việc đa dạng hóa các sản phẩm bán lẻ thay vì chỉ là hàng công nghệ như trước có thể coi là hướng đi bắt buộc của các công ty bán lẻ, trong đó FPT Retail không ngoại lệ.

Do đó, song song với việc phát triển thêm số lượng cửa hàng, FPT Retail cũng nghiên cứu và chọn lựa một số hướng đi mới để tạo đà tiếp tục tăng trưởng doanh thu. FPT Retail coi thế mạnh cốt lõi của mình là know-how mở chuỗi và quản trị chuỗi bán lẻ, vì vậy sẽ đi tìm những ngành nghề có tiềm năng như ăn uống, dược phẩm, thời trang, các cửa hàng tiện lợi sau khi đã nghiên cứu kỹ những tiềm năng cũng như rủi ro.

Đối với kênh bán hàng online, kế hoạch của FPT Retail sẽ là như thế nào?

Bà Nguyễn Bạch Điệp: Với ngành hàng CNTT, khách hàng Việt Nam rất có nhu cầu trải nghiệm thử, cầm nắm thử, được tư vấn trực tiếp, được hỗ trợ cài đặt trực tiếp… Vì vậy kinh doanh truyền thống vẫn đang rất hiệu quả và phù hợp.

Tuy nhiên, khách hàng cũng càng ngày càng có nhu cầu tìm kiếm, so sánh, chọn lựa khuyến mại đi kèm… trên online, rồi mới quyết định đến cửa hàng truyền thống để trải nghiệm và mua hàng. Vì vậy online càng ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong việc mang khách hàng cho shop truyền thống.

Trong 7 tháng đầu năm 2017, doanh thu bán hàng trực tuyến của FPT Retail đạt 1.154 tỷ đồng, tăng 109% so với cùng kỳ, chiếm 16,1% tổng doanh thu 7 tháng đầu năm của FPT Retail (năm 2016, hình thức này mang lại 8,5% tổng doanh thu của FPT Retail, năm 2015 là 7,3%).

Bài viết mới