Ông Nguyễn Huy Sơn, giảng viên Khoa Động lực (Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho rằng Việt Nam vẫn có thể tiếp cận Công nghiệp 4.0 nếu tiếp cận đúng khía cạnh. Công nghiệp 4.0 không phát triển treo quy luật tuyến tính trên cơ sở các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước. Vì thế, ngành cơ khí phát triển chậm nhưng lĩnh vực điện tử, tin học của Việt Nam đã phần nào tiếp cận được Công nghiệp 4.0
“Khi tiếp cận khía cạnh quản trị công nghệ, chúng ta có thể cải thiện quản lý của chúng ta, từ đó tiếp cận được Công nghiệp 4.0” – Nguyễn Huy Sơn nói.
Theo ông Sơn, để nhận định về Công nghiệp 4.0 phải quan sát cả 3 khía cạnh: sản phẩm của nền công nghiệp đó, phương thức sản xuất, quản trị công nghệ. Trong đó, quản trị công nghệ là “phần hồn” đóng vai trò quan trọng nhất. Ghi nhận thực tế, tại Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam lần thứ 26 – VIIF 2017 diễn ra từ 18-21/10 ở Hà Nội, có rất nhiều sản phẩm máy móc cơ khí vận hành tự động chỉ sau thao tác nhấp chuột máy tính. Máy móc cơ khí đã ứng dụng phần mềm và được quản trị bằng công nghệ.
Đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, mỗi người phải tự thay đổi tư duy để thích ứng với Công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo phải có trách nhiệm tiếp cận sớm với công nghệ mới.
“Bản chất của cuộc CMCN lần thứ tư là cách mạng về con người, phải thay đổi tư duy trước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp cận với 2 phần: phần cứng là các công nghệ mới về máy móc; phần mềm là về quản trị công nghệ. Biết những cái mới và kết hợp các phần thì mới có thể tiếp cận được nền công nghiệp thế giới” – ông Nguyễn Huy Sơn nhận định.
Hiện tại, Việt Nam chưa có những cái tên nổi bật mang tầm thế giới trên thị trường sản phẩm cơ khí toàn cầu. Trong sản xuất, robot chưa được ứng dụng nhiều. Một số doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ trong quản trị.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đánh giá rằng, công nghiệp cơ khí Việt Nam chưa “thoát khỏi” công nghiệp 2.0. càng không thể nói chúng ta có công nghiệp 3.0. Tuy nhiên, để công nghiệp hóa thành công nhất định phải phát triển ngành cơ khí. Cùng với việc ban hành chính sách, định hướng phát triển, Nhà nước cũng cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án.
“Doanh nghiệp sẽ tự đầu tư mua thêm máy, chính họ sẽ trưởng thành vì có thị trường, tự đào tạo để phát triển. Còn nếu cứ giao cho tổng thầu nước ngoài thì một cân sắt chúng ta cũng không được làm” – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói.