Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra.
Đây là nhận định tại báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội. Ký báo cáo là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Lợi nhuận giảm 14%
Theo báo cáo thì tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó có 7 tập đoàn kinh tế và 67 tổng công ty nhà nước.
Các số liệu về tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế…. dưới đây đều được ghi chú là xét trong cùng số lượng 583 doanh nghiệp nhà nước hiện có năm 2015.
Theo đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp là 3.053.547 tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 36% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu là 1.398.183 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015. Tổng doanh thu đạt 1.515.821 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước.
Riêng khối 7 tập đoàn đạt 934.721 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2015, chiếm 62% tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn quốc.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đạt 139.658 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2015. Trong đó khối 7 tập đoàn đạt 78.870 tỷ đồng, giảm 25%, chiếm 56% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.
Đáng chú ý, tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có số lợi nhuận năm 2016 là 26.517.266 triệu đồng, giảm 38% so với năm trước. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 là âm 335.078 triệu đồng, trong khi năm 2015 là 2.134.810 triệu đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con là 10% (năm 2015 là 12%). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2016 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con là 4,5% (năm 2015 là 5,5%).
Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp năm 2016 là 251.845 tỷ đồng (chiếm 24,82% trong tổng cân đối thu ngân sách nhà nước năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng), giảm 7% so với thực hiện 2015.
Nợ cũng tăng
Như mọi năm, báo cáo tách riêng tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – công ty con, gồm 91 doanh nghiệp, các số liệu so sánh xét trong cùng số lượng doanh nghiệp hiện có năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.537.292 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015.
Một số “ông lớn” được điểm danh có nợ phải trả lớn như tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ phải trả 486.981 tỷ đồng (công ty mẹ: 313.578 tỷ đồng). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nợ phải trả 338.586 tỷ đồng (công ty mẹ: 87.483 tỷ đồng). Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam nợ phải trả 100.729 tỷ đồng (công ty mẹ: 64.510 tỷ đồng). Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, nợ phải trả 75.111 tỷ đồng (công ty mẹ: 39.674 tỷ đồng)…
Tính đến thời điểm 31/12/2016, Chính phủ cho biết nợ phải trả quá hạn của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam) là 2.736 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả Bộ Tài chính (khoản nợ Bộ Tài chính ứng ra từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ thay cho Tổng công ty Giấy Việt Nam) là 1.610 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy Miền Nam là công ty con 100% vốn của Tổng công ty Giấy Việt Nam có dự án đầu tư kinh doanh rừng thông tại tỉnh Kon Tum cũng không có khả năng trả nợ các khoản nợ đến hạn. Đến 31/12/2016, nợ phải trả cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển Kon Tum là 504.493 triệu đồng (nợ gốc và lãi), Tổng công ty Giấy đã có văn bản xin gia hạn nợ vay đến 1/1/2018 và trình cấp có thẩm quyền về cơ chế vay đối với phương án chuyển đổi 25 năm của dự án, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính phủ nhìn nhận, mặc dù theo quy định việc huy động vốn vượt quá mức 3 lần vốn chủ sở hữu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn còn 18 tập đoàn, tổng công ty trong số 91 doanh nghiệp có mức huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu).
Tuy nhiên, tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các tập đoàn, tổng công ty đã có dấu hiệu được cải thiện đáng kể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty bình quân đạt 0,75 lần.
Về lỗ phát sinh, báo cáo nêu, theo báo cáo hợp nhất của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty viễn thông toàn cầu Gtel, Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Công ty TNHH 1TV Duyên Hải là 1.305,026 tỷ đồng.
Báo cáo hợp nhất có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 12.504 tỷ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 4.595 tỷ đồng – Bộ trưởng thông tin thêm.