Như tin đã đưa, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, tháng 11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng nhằm thúc đẩy nhanh và bền vững kinh tế – xã hội của TP, tạo điều kiện để Đà Nẵng phát huy hơn nữa những lợi thế của mình trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung.
Vịnh Đà Nẵng sẽ được quy hoạch trong Khu kinh tế biển Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Đà Nẵng phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan cần sớm hoàn thiện đề án thành lập và bổ sung Khu kinh tế (KKT) ven biển Đà Nẵng vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2035, trình các Bộ ngành chức năng sớm thẩm định và tham mưu Chính phủ xem xét phê duyệt.
Vậy KKT ven biển Đà Nẵng sẽ đặt ở đâu? Được thành lập nhằm mục đích gì? Trao đổi với PV Infonet, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, theo dự kiến quy hoạch, KKT ven biển Đà Nẵng sẽ bao gồm vịnh Đà Nẵng, có thể lấn biển ở một số khu vực nhằm hình thành đô thị cảng biển, giống Singapore và TP Yokohama của Nhật Bản
Tháng 9 vừa rồi, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã thống nhất theo đề xuất của Sở Xây dựng về việc tổ chức thi ý tưởng phát triển vịnh Đà Nẵng thành khu đô thị cảng biển. Quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 7.199ha (trong đó phần diện tích mặt đất 2.311ha, mặt nước 4.888ha) thuộc địa giới hành chính các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà.
KKT ven biển Đà Nẵng cũng sẽ bao gồm cảng Liên Chiểu, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; đồng thời đề nghị Chính phủ bố trí vốn ODA thực hiện hợp phần đê kè chắn sóng của dự án. Từ đó sẽ kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư phát triển cảng biển để cảng Liên Chiểu trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai.
“Đồng thời KKT ven biển Đà Nẵng cũng sẽ bao gồm Khu công nghệ cao, KCN Liên Chiểu… Việc hình thành KKT ven biển Đà Nẵng nhằm tạo cơ chế huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, các tiềm năng và lợi thế so sánh của TP, gắn kết TP với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên và cả nước!” – ông Huỳnh Đức Thơ cho hay.
Theo ý kiến một số chuyên gia, nếu Đà Nẵng được bổ sung vào hệ thống KKT ven biển của cả nước sẽ tăng thêm lực hút đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Họ vốn dĩ rất thích TP này nhưng phải chuyển dự án đến những nơi có KKT để đầu tư vì có nhiều ưu đãi hơn. Bổ sung Đà Nẵng vào quy hoạch KKT ven biển cũng sẽ tạo cơ sở để TP lập nhiều dự án kêu gọi đầu tư và đề nghị cơ chế phát triển đặc thù.
Được biết, cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển ngành kinh tế biển Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến giai đoạn 2017-2020 hơn 19.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 2021- 2025 là 13.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 2026- 2030 là 17.000 tỷ đồng…
Theo đó, dự kiến trích 49.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế biển nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng khách du lịch biển giai đoạn 2017-2025 đạt 13-14% và giai đoạn 2026-2030 đạt 13%; hàng hóa qua cảng đến năm 2025 đạt 12-13 triệu tấn/năm và tốc độ tăng trưởng hàng container giai đoạn 2020-2025 đạt 10-15%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đến năm 2025 đạt 12-13 %/năm và đến năm 2030 đạt 8-10%/năm.
Cụ thể, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới như thể thao biển, công nghiệp du thuyền… và hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch ven biển, tăng cường năng lực cho hướng dẫn viên du lịch về chủ quyền biển đảo. TP cũng sẽ tập trung phát triển kinh tế hàng hải, phát triển cảng Đà Nẵng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế theo 2 khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu. Khu cảng Tiên Sa phục vụ hành khách, đầu tư khu bến chuyên biệt cho tàu du lịch. Khu cảng Liên Chiểu phục vụ hàng container, hàng tổng hợp và hàng lỏng.
Nâng cấp Cảng cá Thọ Quang thành cảng loại 1, Khu trú bão và neo đậu tàu thuyền… theo hướng trở thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa. Từng bước phát triển đội tàu vỏ thép, tàu composite, gỗ bọc composite công suất lớn, hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ khai thác gắn với chú trọng khuyến ngư, nâng cao năng lực khai thác, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác cho ngư dân. Đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền Thọ Quang.