Đáp lại lời buộc tội này, Thủ tướng đảng Bảo Thủ, Theresa May, đã đề cập đến tiềm năng to lớn của một nền kinh tế thị trường mở cửa, sáng tạo và tự do. Thế nhưng, những “vụ kiện” tương tự đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Chỉ một phần tư thế kỷ trước, cuộc tranh luận giữa hệ thống kinh tế do Nhà nước quản lý của chủ nghĩa xã hội với nền dân chủ tự do của chủ nghĩa tư bản dường như đã được giải quyết. Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết đã đóng lại cuộc tranh luận, hoặc có vẻ là như vậy.
Kể từ đó, kinh tế Trung Quốc nổi lên, lật ngược lại quan điểm cho rằng một chiến lược điều hành bởi Nhà nước sẽ luôn thất bại. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm lộ rõ những hiểm họa của một thị trường không được điều tiết hợp lý. Vào năm 2017, một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới (Ethiopia, Uzbekistan, Nepal, India, Tanzania, Djibouti, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines) đã có tự do thị trường. Nhiều nền kinh tế thị trường tự do đang hứng chịu tăng trưởng chững lại và bất bình đẳng gia tăng.
Trước thực tế này, các chính trị gia không còn bảo vệ thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản dựa trên lập luận về tăng trưởng kinh tế hoặc lợi ích từ toàn cầu hóa. Thay vào đó, họ tập trung vào những cơ hội của cá nhân. Thủ tướng May là một ví dụ, bà cho rằng hệ thống thị trường tự do có tác động tích cực trong việc giảm tử vong trẻ em, tăng tuổi thọ, đẩy lui đói nghèo, tăng thu nhập ròng, mở ra nhiều cơ hội giáo dục và cắt giảm tỉ lệ mù chữ.
Nhưng những tuyên bố này không giống với sự thật. Đầu tiên là tỉ lệ tử vong khi mang thai. Nhiều nơi trên thế giới đã có những bước tiến dài trong việc nâng cao an toàn sinh đẻ. Từ năm 1990 đến năm 2015, Albania giảm tỉ lệ tử vong do sinh đẻ tính từ 29,3 xuống 9,6 trên 100.000 ca sinh. Ở Trung Quốc, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh hoặc dị dạng giảm từ 114,2 xuống còn 17,7.
Trong khi đó, tại Mỹ, đất nước mẫu mực của nền dân chủ thị trường tự do, số liệu về tỉ lệ tử vong khi sinh lại đi theo một hướng khác. Số ca tử vong trong quá trình mang thai tính trên 100.000 ca sinh đang thực sự tăng lên, từ 16,9 năm 1990 lên 26,4 năm 2015. Cũng gây sửng sốt tương tự, sự hoành hành của bệnh tật và tỉ lệ tử vong của đàn ông và phụ nữ da trắng trung niên (không có dòng giống Tây Ban Nha) tăng lên trong giai đoạn 1999-2013.
Tuyên bố rằng các chính sách của thị trường tự do “làm giảm tỉ lệ mù chữ” cũng không đúng sự thật. Tại Anh, 15% số người trưởng thành (tức 5,1 triệu người) vẫn “mù chữ chức năng” – những người này có trình độ đọc viết ở mức ngang bằng hoặc kém hơn một đứa trẻ 11 tuổi bình thường. Nghiên cứu gần đây nhất của Scotland cho thấy sự sụt giảm trình độ đọc viết, ít hơn một nửa số những đứa trẻ 13-14 tuổi của nước này thể hiện trình độ viết tốt. Thực tế, nếu bạn tra Google “chiến dịch xóa mù chữ thành công” thì đất nước với tỉ lệ biết đọc biết viết đáng kinh ngạc sẽ lấp đầy màn hình tìm kiếm của bạn là Cuba, một hệ thống thị trường không mấy tự do.
Bà May đã hùng hồn tuyên bố rằng kinh tế thị trường tự do khi được vận hành đúng luật và các quy định sẽ là nhân tố tuyệt vời nhất thúc đẩy sự phát triển chung của nhân loại. Nếu tuyên bố này là đúng, kết luận logic duy nhất ở đây là chúng ta đang làm sai cách.
Vậy những biện pháp nào là cần thiết để làm cho đúng cách? Những giải pháp thực tiễn đang được đưa ra có vẻ khá thống nhất trong hệ thống chính trị. Thực vậy, trong nỗ lực đạt được vị trí của mình, những khác biệt giữa cánh tả và cánh hữu dường như sụp đổ.
Ở Anh, đề xuất đầu tiên nhằm đảm bảo tăng trưởng và đầu tư rộng rãi trong nền kinh tế đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ. Corbyn đề xuất một Quỹ ngân hàng đầu tư và chuyển đổi quốc gia để huy động đầu tư công, tạo thêm nhiều việc làm và của cải. Về phía May, bà đề xuất chiến lược công nghiệp thúc đẩy “tăng trưởng trên cả nước”, giúp “biến các khu vực địa phương xuất sắc trở thành nhà vô địch xuất khẩu quốc gia”.
Thứ hai, khu vực tư nhân cần thay đổi để ngăn chặn tư duy ngắn hạn, tránh thuế, các loại chủ nghĩa cơ hội và làm giàu cá nhân. Ở đây, Corbyn tập trung vào trách nhiệm giải trình của ban giám đốc doanh nghiệp, trong khi May kêu gọi tiếng nói mạnh mẽ hơn cho công nhân và các cổ đông trong việc ra quyết định của doanh nghiệp, và đảm bảo những công ty lớn nhất có động lực để tư duy dài hạn.
Điều thứ ba cần thay đổi là tăng lương cho người người lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Tại nước Anh, thậm chí khi kinh tế tăng trưởng thì tiền lương vẫn giảm, lương giảm khoảng 10% từ năm 2007 đến năm 2014. Corbyn hứa hẹn sẽ hành động để ngăn chặn việc các ông chủ dìm lương và điều kiện làm việc của nhân viên. Còn với May, “tất cả các công việc đều nên được công bằng và được xã hội chấp nhận để phục vụ cho sự phát triển và thỏa mãn của con người”. Cả Corbyn và May đều đồng ý nên cải thiện đào tạo nghề và giáo dục chuyên môn.
Thứ tư, ở Anh, chính phủ cần giải quyết vấn đề khủng hoảng nhà ở. Những năm 1950s, 1960s, trung bình 300.000 ngôi nhà được xây mỗi năm, con số đó hiện giảm còn ít hơn một nửa. Corbyn đề xuất nhà ở xã hội, kiểm soát cho thuê và cải thiện điều kiện sống cho mọi người. May công bố một quỹ trị giá 2 tỷ bảng Anh dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội.
Cuối cùng, Anh cần thêm các điều luật và quy định hiệu quả để đảm bảo rằng các tiện ích do tư nhân cung cấp trở nên rẻ hơn, thêm nhiều dịch vụ mang tính bền vững. Corbyn buộc tội các công ty chia cổ tức nhiều cho cổ đông trong khi cơ sở hạ tầng tồi tàn, dịch vụ xuống cấp và nộp quá ít thuế. May thì hứa hẹn chấm dứt việc “gian lận giá năng lượng”.
Chủ nghĩa Tân tự do, do Margaret Thatcher và Ronald Reagan khởi xướng vào những năm 1980s với mục đích thay đổi mô hình Nhà nước, vào thời điểm sau một thập kỷ mô hình Nhà nước phình to và lãng phí. Chủ nghĩa Tân tự do hiện đang bị buộc tội. Xu hướng đồng thuận mới đang nổi lên cho rằng một Nhà nước năng động và hiệu quả cần phải thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng các cơ hội. Phiên tòa xét xử này vẫn tiếp tục, với chủ đề liệu Nhà nước có nhận được những công cụ và sự hỗ trợ cần thiết để cải thiện tình hình?