Ngày 19/10, hãng xe lớn thứ hai của Nhật, Nissan, cho biết đã dừng sản xuất tại thị trường Nhật Bản sau khi phát hiện việc kiểm tra kỹ thuật không được thực hiện đúng quy định tại một số nhà máy của hãng, CNN cho biết.
“Một số công đoạn kiểm tra được thực hiện bởi các kỹ sư không được đăng ký theo quy định để làm việc này”, Nissan cho biết trong một thông cáo.
Đầu tháng 10, hãng này cũng tuyên bố thu hồi hơn 1,2 triệu xe đã bán tại Nhật trong 3 năm qua sau khi cơ quan chức năng phát hiện công đoạn kiểm tra được thực hiện bởi các kỹ thuật viên không đủ thẩm quyền.
Công ty đã có “biện pháp khắc phục”nhưng theo một cuộc điều tra từ bên ngoài, các công đoạn kiểm tra an toàn tại ít nhất 3 nhà máy của hãng này vẫn đang được thực hiện bởi các kỹ sư không đủ thẩm quyền
Nissan dự định sẽ kiểm tra lại khoảng 34.000 xe được sản xuất từ 20/9 tới 18/10, trong đó 4.000 chiếc đã được bán cho khách hàng và có thể sẽ phải bị thu hồi.
Người phát ngôn của Nissan cho biết việc này sẽ không ảnh hưởng tới những xe đã sản xuất tại Nhật và xuất khẩu ra nước ngoài và kỳ vọng có thể khôi phục sản xuất trong vòng 2 tuần nếu được Bộ Giao thông Nhật Bản chấp thuận. Hiện các nhà máy của Nissan sản xuất gần 1.000 xe mỗi ngày cho thị trường nội địa và hơn 1.500 xe cho xuất khẩu.
“Chúng tôi rất tiếc về sự bất tiện và những lo lắng gây ra cho khách hàng cũng như cổ đông của công ty tại Nhật Bản”, thông cáo của hãng nói.
Vụ việc này chỉ là một trong số loạt bê bối xảy ra với ngành công nghiệp vốn nổi tiếng uy tín của Nhật Bản. Chuỗi bê bối này gây thiệt hại giá trị cho cổ đông, khiến người tiêu dùng phẫn nộ và giới chức năng nổi giận.
Gần đây nhất là vụ việc của hãng thép Kobe Steel thừa nhận đã giả mạo dữ liệu về độ bền chắc của vật liệu nhôm và đồng do hãng sản xuất. Những vật liệu bị nói dối về độ bền chắc của Kobe Steel đã được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ xe hơi Toyota cho tới tàu cao tốc của Hitachi.
Trước đó, hãng sản xuất túi khí đã phá sản Takata là nguyên nhân dẫn tới cuộc triệu hồi xe lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới. Chất lượng túi khí không đảm bảo của Takata được cho là có liên quan đến cái chết của 17 người trong các vụ tai nạn xe hơi trên toàn cầu.