Những tác hại khủng khiếp nếu bạn làm việc quá 8 tiếng một ngày mà không vận động gì

Trung bình, nếu là dân văn phòng thì bạn thường xuyên phải ngồi làm việc 8 – 9 tiếng mỗi ngày. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn dành thời gian ngồi làm việc đến 8 tiếng trong suốt cả ngày rồi trở về nhà lại ngồi lên xe và đặt người xuống ghế một lần nữa để ăn uống khi ở nhà. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không được thiết kế chỉ để bạn ngồi suốt cả ngày mà chúng cần bạn di chuyển, vận động nhiều hơn.

Do đó, hãy tìm hiểu ngay các tác hại của việc ngồi quá lâu để sửa đổi và hạn chế thói quen này mỗi ngày. Nhờ đó, sức khỏe của bạn theo thời gian sẽ được cải thiện rõ rệt.

Lưng và vai

Nhiều người ngồi làm việc đều cảm nhận được ảnh hưởng của thói quen ngồi quá lâu, đặc biệt hiện rõ trên lưng và vai. Theo trang Huffingtonpost lý giải thì người bình thường nếu ngồi xuống quá 3 phút sẽ rơi vào tư thế mỏi hoặc không thể ngồi thẳng như lúc đầu.

Điều này sẽ tạo ra sự hao mòn trong khớp xương của bạn, ảnh hưởng lớn đến dây chằng cột sống khi phải đặt một trọng lực lớn trên cơ lưng trong thời gian dài. Ngoài ra, khi ở đằng trước là máy tính thì tự nhiên bạn sẽ phải giữ cổ về phía trước trong khi tập trung, gây căng thẳng trên cổ và vai.

Chân và hông

Theo Tiến sĩ Clare Morrison – GP tại nhà thuốc trực tuyến MedExpress, việc ngồi xuống trong thời gian dài có thể dẫn đến teo cơ bắp ở phần chân và mông, nơi mà các cơ bắp thường dễ bị suy yếu nhất. Ngoài ra, ngồi lâu còn gây ra các vấn đề về khớp hông trong một thời gian ngắn sau đó.

Một điều cần lưu ý nữa là ngồi lâu còn dẫn đến tuần hoàn kém khiến mắt cá chân bị sưng, gây giãn tĩnh mạch.

Tim và hệ thống tim mạch

Con người được xây dựng để khiến trái tim và hệ thống tim mạch làm việc hiệu quả hơn thông qua các hoạt động đứng lên, di chuyển nhiều. Theo Chris Allen – y tá tim cao cấp tại British Heart Foundation (BHF) nói: “Quá nhiều người trong chúng ta gắn mình với bàn làm việc quá lâu và nghiên cứu chỉ ra điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim”.

Phát hiện theo một nghiên cứu từ năm 2010 cho biết sự gia tăng khoảng 125% về bệnh tim mạch do dành thời gian ngồi quá lâu, kéo theo nguy cơ tăng đến 46% tử vong do các nguyên nhân khác. Ngoài ra, nghiên cứu từ Đại học Chester vào năm 2013 phát hiện việc ngồi xuống đốt cháy calories ít hơn 21% mỗi phút thay vì đứng lên.

Phổi

Khi bạn ngồi xuống cả ngày, lượng oxy đi vào cơ thể bạn cũng bị giảm bớt. Điều này là do tư thế ngồi khiến cho phổi của bạn không được mở rộng để thở, làm hạn chế lượng oxy cần thiết vào đầy phổi của bạn.

Não

Ngồi xuống có thể giới hạn lượng máu và oxy đi lên não, đồng nghĩa sẽ giảm mức độ hormone endorphin, làm chậm chức năng não bộ của bạn. Cũng giống như phổi, nếu ngồi lâu sẽ làm hạn chế lượng oxy hấp thụ vào cơ thể nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến não.

Tuyến tụy

Bệnh tiểu đường cũng là một yếu tố phổ biến gắn liền với thời gian ngồi kéo dài. Năm 2011, một nghiên cứu cho thấy sự suy giảm trong phản ứng insulin đến từ việc ngồi quá lâu. Điều này có nghĩa rằng, tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn để phá vỡ glucose trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Hệ tiêu hóa

Khi bạn ngồi xuống có thể gây đè nén cơ bụng, làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều này dẫn đến các vấn đề như đầy hơi, ợ nóng và táo bón. Ngoài ra, khi ngồi thì chức năng ruột hoạt động kém hơn so với lúc đứng dậy. Đó là nguyên do lý giải vì sao người bệnh thường phải chịu các vấn đề đường ruột nhiều hơn, do họ ít được vận động.

Trên đây là tác hại của việc ngồi quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể bạn. Qua đó, hãy thường xuyên vận động và đi lại nhiều hơn trong suốt cả ngày làm việc. Đồng thời, uống nhiều nước cũng giúp bạn phải di chuyển vào nhà vệ sinh nhiều nên hạn chế được thói quen ngồi. Nếu có thời gian rảnh rỗi thì nên đi bộ, đạp xe chứ không nên ngồi xem TV hay bấm điện thoại bạn nhé!

Nguồn: Huffingtonpost

Khỏe mạnh mà không cần tới phòng gym: Khoa học chỉ ra 2,5 tiếng vận động mỗi tuần là đủ

Bài viết mới