Hiện các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa xây dựng cuối năm, nhưng giá vật liệu xây dựng như tôn, thép liên tục điều chỉnh theo chiều hướng đi lên, mặc dù nguồn cung dồi dào.
Theo các chủ hàng vật liệu xây dựng, khoảng 3 tháng nay giá mặt hàng tôn, thép không ngừng gia tăng, giá tôn trong nước đã tăng gần 30% trong quý 3/2017 – mức cao nhất kể từ hai năm trở lại đây – do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc. Các thương hiệu lớn như Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, TVP, Đông Á… đều đã niêm yết giá chênh tới 4 triệu đồng/tấn so với quý 2.
Bên cạnh đó, giá cũng tăng ở thép xây dựng và thép mạ kẽm. Tháng 9/2017, giá thép xây dựng tăng khoảng 300 – 1.000 đồng/kg tùy theo từng chủng loại. Giá bán lẻ trên thị trường dao động ở mức 11.300 đồng – 13.900 đồng/kg tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và các tỉnh phía Nam 11.400 – 14.200 đồng/kg. Nguyên nhân do tác động của giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới tăng (giá nguyên liệu cán nóng nhập khẩu chào giá lên đến 615-626 USD/tấn).
Hiện nhiều doanh nghiệp thép tại phía Nam chỉ nhập hàng trữ trong 1 tháng thay vì 3 tháng như trước đây, số lượng mã hàng trữ không đa dạng. Do đó, các nhà thương mại phải nhập nhiều mã hàng từ nhiều nhà phân phối khác nhau, khiến chi phí vận chuyển bị đội lên trong khi lợi nhuận lại suy giảm. Xảy ra tình trạng này bởi trong hai tháng 5 và 6, các doanh nghiệp thép đã đua nhau giảm giá sâu để kích cầu, trong khi vật liệu, giá thành phẩm thế giới tăng. Vì vậy, bước sang tháng 7, các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại để cân đối lợi nhuận cho phù hợp chứ không hẳn do nguồn cung khan hiếm.
Dự báo, các tháng cuối năm nhu cầu thép sẽ tăng hơn so với quý 3/2017, bên cạnh đó nhiều đại lý thu mua thép trong quý vừa qua dự trữ và có khả năng xả hàng trong quý 4. Giá tôn khả năng sẽ vẫn giữ ở mức cao do mùa xây dựng cuối năm đã bắt đầu. Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc có quy định nghiêm ngặt về cắt giảm sản lượng các ngành sản xuất gây ô nhiễm như thép, do đó từ giờ tới cuối năm, giá các mặt hàng liên quan đến thép khó có cơ hội giảm mạnh. Giá ở mức cao khiến tình hình tiêu thụ trở nên khó khăn do tâm lý dè dặt của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, lợi nhuận của các nhà thương mại cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Xuất khẩu và triển vọng
Mặc dù sắt thép đang là ngành chịu nhiều khó khăn từ chính sách phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu chính, nhưng kim ngạch xuất khẩu thép 9 tháng đầu năm thu về trên 2 tỷ USD, đạt 3,3 triệu tấn, tăng 31,6% về lượng và tăng 51,1% về trị giá so với cùng kỳ 2016. Giá xuất bình quân tăng 14,9% lên 659,1 USD/tấn (so với 9 tháng 2016 giá 573,2 USD/tấn).
Thị trường ASEAN tiếp tục là thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam, chiếm 58% tổng lượng thép xuất khẩu, trong đó Campuchia là thị trường có lượng thép xuất đạt cao nhất, 638,7 nghìn tấn trị giá 352 triệu USD, tăng 33,57% về lượng và tăng 58,94% về trị giá so với cùng kỳ. Đứng thứ là thị trường Indonesia, tăng 8,16% về lượng và tăng 32,92% về trị giá, đạt tương ứng 12,7 nghìn tấn, 299,3 triệu USD; kế đến là thị trường Mỹ tuy nhiên tốc độ xuất khẩu thép sang thị trường này so với cùng kỳ giảm, giảm 46,14% về lượng và giảm 26,67% về trị giá, chỉ với 378,1 nghìn tấn và 302,8 triệu USD.
Đặc biệt, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Thụy Sỹ tuy lượng xuất chỉ đạt 4,1 nghìn tấn, trị giá 1,8 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ tăng gấp hơn 400 lần về lượng và 42,5 lần về trị giá.
Ngoài thị trường Thụy Sỹ, lượng thép xuất sang một số thị trường cũng có tốc độ tăng mạnh như: Philippines, Ấn Độ, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha và Brazil tăng lần lượt gấp hơn: 21,57 lần; 16,36 lần; 11,55 lần; 45,02 lần; 75,93 lần và 14,1 lần so với cùng kỳ.
Nhìn chung, 9 tháng đầu năm nay lượng thép xuất khẩu sang thị trường có tốc độ tăng chiếm phần lớn trên 60% và ngược lại thị trường suy giảm chỉ chiếm 38,7% trong đó xuất sang Ai Cập giảm mạnh nhất, giảm 93,41% tương ứng với 24 tấn.
Dự báo, triển vọng xuất khẩu thép của Việt Nam năm 2017 tiếp tục khả quan, bởi xuất khẩu thép của Trung Quốc dự báo trong năm nay có thể giảm do nhu cầu nội địa tăng mạnh để phục vụ các dự án xây dựng cầu đường, thủy điện và giao thông… Ngoài ra, trước các vụ kiện phòng vệ thương mại ở quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang phải cân nhắc, điều chỉnh xuất khẩu để không ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp thép Trung Quốc. Đây là thuận lợi để doanh nghiệp thép Việt Nam chớp thời cơ tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên các DN cũng cần lưu ý xuất khẩu thép vào thị trường Ấn Độ thời gian tới sẽ gặp khó khăn do Chính phủ nước này đang có kế hoạch đưa thêm 3 sản phẩm thép nữa vào lệnh kiểm soát chất lượng vào tháng 11/2017. Theo nguồn tin cung cấp cho SteelMint, ba sản phẩm đó là: Thép cuộn cacbon cao, tấm phủ mạ kẽm và tấm phủ nhôm-kẽm. Phê duyệt đang chờ trong một thời gian nhưng dự kiến sẽ được thông báo vào tháng tới. Nếu lệnh kiểm soát chất lượng này được thông báo, điều này có nghĩa là tất cả các nhà máy xuất khẩu sản phẩm nêu trên, phải đăng ký với Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS).