LTS: Mặc dù thời gian đăng bài cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức như dự kiến đã hết từ 15/10, nhưng do lượng bài của quý độc giả gửi về dự thi từ 1/8-30/9 quá nhiều và chúng tôi vẫn chưa sắp xếp để đăng hết nên tiếp tục đăng các bài còn lại trong ngày hôm nay 16/10.
Dưới đây là bài dự thi của tác giả Võ Thị Thủy – Trung tâm dịch vụ khách hàng Sacombank.
—————
Mơ ước làm ngân hàng từ hình ảnh các anh chị đi từ thiện
Tôi biết đến Sacombank qua chương trình ngày hội từ thiện. Lúc ấy tôi rất háo hức và vui sướng khi tham gia sự kiện của ngân hàng tổ chức, ngoài việc được nhận quà, tiền lì xì, được nghe ca sĩ nổi tiếng hát, tôi còn được gặp các anh chị trông rất đẹp và lịch lãm. Hình ảnh các anh chị ân cần giúp đỡ người già neo đơn, nhiệt tình hướng dẫn các bé nhỏ đã ăn sâu vào tâm trí tôi, thôi thúc tôi phải phấn đấu và đặt ra mục tiêu trở thành một nhân viên ngân hàng như vậy.
Với tấm bằng trung cấp nghề thì làm sao vào Ngân hàng làm được? Tôi suy nghĩ như vậy nhưng chẳng còn con đường nào khác bởi hoàn cảnh không cho phép học xong đại học. ‘Lấy ngắn nuôi dài’ tôi quyết định đi làm phục vụ trước sau đó cố gắng thi liên thông đại học. Trong thời gian đó tôi vẫn nhiều lần nộp hồ sơ vào Sacombank. Và may mắn cũng đã mỉm cười với tôi, đã được ứng tuyển vào vị trí nhân viên dịch vụ tại Trung tâm dịch vụ khách hàng.
Nhưng công việc không như những gì tôi vẫn tưởng tượng. Qua 2 tháng học việc, tôi đã không thể đáp ứng được, nhưng tôi không bỏ cuộc. Lúc ấy tôi mới 20 tuổi – lứa tuổi mà nhiều bạn khác đang ngồi trên ghế nhà trường thì tôi phải đang bôn ba tìm kiếm cơ hội để chạm tới ước mơ của mình. Tôi nghĩ rằng có thể môi trường này chưa phù hợp với lứa tuổi của tôi, hay kinh nghiệm chưa có… Dù là lý do gì thì tôi vẫn phải cố gắng. Tôi quyết định dùng những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm ấy để tiếp tục đi trực với các anh chị. Tôi vẫn phải học vẫn phải trau dồi kỹ năng dù đã biết đó là những ngày cuối cùng tôi có thể bước chân vào tòa nhà ấy, tòa nhà đáng mơ ước của bao nhiêu người…
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Và chính ý chí, hành động đó tôi đã được chị trưởng nhóm ghi nhận, chính chị là người bảo lãnh xin cấp trên cho tôi cơ hội thêm 1 tháng thử việc sau đó sẽ đánh giá lại. Tôi rất cảm kích chị, nhờ chị mà tôi có thêm cơ hội, lúc này đây tôi phải tập trung, nỗ lực hết phần năng lượng của mình, 8-9 giờ tối mới về, thường xuyên nghe line (cuộc gọi) của các anh chị khác để trau dồi kỹ năng, học các sản phẩm của ngân hàng…
Rồi cái ngày mong ước cũng đến, tôi được ký hợp đồng chính thức, một trang sách mới của cuộc đời tôi được mở ra.
Thử thách đã mang đến kinh nghiệm và bản lĩnh nghề
Qua nhiều năm làm việc tại đây tôi đã nhận ra giá trị của những thử thách mà mình đã trải qua. Chính những thử thách, áp lực đó đã giúp tôi vượt lên chính mình, giúp tôi trưởng thành hơn, bản lĩnh và kinh nghiệm.
Nhớ những ngày bắt đầu công việc chính thức, tôi đã ‘ngộp’ vì lúc học thì chỉ học về thông tin chung của sản phẩm nhưng khi tiếp line, 1001 câu hỏi khác nhau không khách hàng nào hỏi giống khách hàng nào. Tôi nằm trong thế ‘bị động’ vì bất cứ câu hỏi nào của Khách hàng cũng được tiếp nhận. Tai nghe, tay đánh máy, mắt nhìn, miệng nói, não nghĩ tất cả đều được vận dụng trong 1 cuộc điện thoại…
Một ngày làm việc của tôi lúc đó rất áp lực, sáng vào chị trưởng nhóm đi trước, tôi đi sau vào phòng Phó Giám Đốc để báo cáo về việc nghe lại line, tự đánh giá lại ưu và nhược điểm trên mỗi cuộc gọi. Sau giờ làm tôi phải ở lại nghe line và nhận xét, căng thẳng hơn là chị Trưởng nhóm phải nghe trực tiếp trên line khi tôi đang trao đổi khách hàng. Dĩ nhiên không phải làm đúng mà được hưởng “chế độ” đó. Tôi biết rằng lúc đó sự nhiệt huyết công việc, tư vấn nhiệt tình rất cao nhưng tôi chưa biết điều tiết lại để line của mình chỉnh chu hơn, hoàn thiện hơn… Với sự kiên nhẫn của 2 “cô giáo” đã giúp tôi tốt hơn mỗi ngày. Tôi rất biết ơn họ, chính những người chị đi trước đã truyền cảm hứng cho tôi, kiên nhẫn giúp tôi nhận ra ý nghĩa trên mỗi cuộc điện thoại với khách hàng.
Với công việc là một tổng đài viên, tôi phải đối mặt với rất nhiều áp lực và thử thách hàng ngày. Chỉ cần tôi không tinh ý nhận ra vấn đề có thể sẽ cuốn theo khách hàng, và thời gian cuộc trao đổi càng dài thì chất lượng line càng kém. Nếu không chú ý đến các khoản phí rút tiền, hay phí vượt hạn mức… thì có thể đọc dư nợ ko chính xác. Đặc biệt là các chương trình khuyến mại không cung cấp về ngân sách chương trình thôi thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị khách hàng quay lại yêu cầu đền bù vì chưa tư vấn thông tin đầy đủ.
Không chỉ áp lực về nghiệp vụ, chúng tôi cũng phải ‘căng não’ về thời gian làm việc. Giờ ăn trưa chúng tôi chỉ có 1 tiếng- đôi khi phải dành 15 phút để trao đổi nghiệp vụ. Tôi phải luôn quan sát thời gian nói chuyện với khách hàng, tránh lan man, dài dòng, tư vấn đúng nhu cầu hỗ trợ đúng mục đích để tiếp line những khách hàng khác. Trung bình mỗi cuộc gọi 3 phút tốc độ nói của chúng tôi phải đáp ứng được nhiều yếu tố, giọng nói tươi vui, nhiệt tình phục vụ, để khách hàng cảm thấy hài lòng, happy khi gọi lên tổng đài Sacombank. Chưa kể những ngày lễ tết hay trực cuối tuần khi mọi người sum vầy bên gia đình,đi chơi… zalo, facebook úp hình ‘không nổi’, thì tôi vẫn miệt mài với công việc của mình, vì là đứa hay trực vào những ngày lễ tết, cảm giác cũng không quá buồn như nhiều người nghĩ, vì sau những ngày trực chúng tôi thường tổ chức những bữa ăn hoành tráng như bún cuốn thịt luộc, phân công cho mỗi thành viên đem theo một món, kèm theo là các đòn chả những chai nước từ trung tâm tài trợ… giản đơn là thế nhưng vui và ấm áp như một gia đình.
“Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” – câu nói mà tôi tâm đắc nhất, nhớ lại khoảng thời gian lúc đó khá khó khăn với tôi. Kết thúc ngày làm việc đầy áp lực thì tôi lại có mặt ở trường để tiếp tục việc học, thời điểm đó còn phải chạy xe đạp đi làm, lỡ về mà kẹt xe là trễ học không kịp ăn uống gì cũng phải ngồi trong lớp. 11-12h đêm vẫn còn thức để học hay đọc sản phẩm là điều bình thường. Đã có những lúc mệt mỏi tôi nghĩ đến chuyện bảo lưu việc học vì nếu không đảm bảo được chất lượng công việc, không chịu được áp lực hay thử thách mà xin nghỉ thì xem như mình đã thất bại lớn với chính bản thân. Hơn ai hết tôi hiểu nếu muốn thoát cảnh nghèo thì chính bản thân mình phải tự nỗ lực, cố gắng hàng ngày, không nản lòng, không bỏ cuộc vì thất bại chỉ khi tôi ngừng lại.
Nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi đã tìm thấy vinh quang
Áp lực đó, thử thách đó những vẫn không làm tôi chùng bước, sau khi lấy tấm bằng cử nhân tôi đã dành toàn thời gian để trau dồi về nghiệp vụ và kỹ năng nghe line. Ngày nghe tin mình lên chuyên viên và được gương mặt tiêu biểu mà những giọt nước mắt hạnh phúc cứ dâng trào…. tôi đã làm được và đây chính là khởi đầu cho tôi- tuổi 25.
Theo quan điểm của tôi, vinh quang không phải trở thành ông này bà nọ, hay lương cao chót vót mà vinh quang với tôi chính là sự hài lòng của khách hàng và làm chính công việc mà mình thích, mỗi ngày đi làm tôi tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc. Khi một khách hàng có ý định tạm ngưng dịch vụ hay không có nhu cầu sử dụng, bằng sự tận tâm, tư vấn chuyên nghiệp, chúng tôi – những người làm nghề dịch vụ khách hàng- thuyết phục và giữ chân khách hàng hài lòng vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ, hay đơn giản trên một cuộc điện thoại sau khi tôi tư vấn và chốt được cuộc hẹn đặt lịch khách hàng đến đăng ký thêm dịch vụ … thì đó là vinh quang đối với tôi, vinh quang dành cho sự đam mê, nhiệt huyết, và luôn phấn đấu không ngừng nghỉ.