Bộ Tài chính bác đề xuất Viettel bảo lãnh vay nợ cho công ty con

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, hồi cuối tháng 4/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành rà soát, phát hiện các quy định về cơ chế, chế độ hạch toán, kế toán đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, báo cáo Chính phủ kết quả trong năm 2017.

Sau rà soát, Bộ Tài chính cho rằng, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không có sự chồng chéo giữa cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp nước ngoài và chế độ hạch toán, kế toán đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Các dự án đầu tư ra nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật về thuế của Việt Nam và các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần mà Việt Nam đã ký kết.

Bác đề xuất của Viettel

Rà soát ở phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Tập đoàn Viettel kiến nghị được tăng vốn đầu tư cho dự án tại nước ngoài dưới hình thức bảo lãnh vay vốn trong khi dựu án đang bị lỗ kế hoạch dẫn đến âm vốn chủ sở hữu.

Hiện Viettel đang đầu tư ra nước ngoài thông qua công ty Viettel Global. Đến hết năm 2016, dự án đầu tư nước ngoài của tập đoàn lỗ luỹ kế 3.745 tỷ đồng, nợ phải trả vượt 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thông cáo gửi báo chí mới đây, Tập đoàn Viettel khẳng định 6 tháng năm 2017, Viettel Global lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng.

Đối với kiến nghị của Viettel, Bộ Tài chính dẫn khoản 5, Điều 20 Nghị định số 91 quy định: “Doanh nghiệp chỉ thực hiện bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại các tổ chức tín dụng trong nước với điều kiện các công ty con phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có các khoản nợ quá hạn, việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả dự án và cam kết trả nợ đúng hạn đối với khoản vay được bảo lãnh”.

Bộ Tài chính đánh giá, Viettel là một tập đoàn nhà nước bảo lãnh công ty con khi dự án đang bị lỗ, âm vốn chủ sở hữu là chưa phù hợp. Thực tế, tồn tại nhiều trường hợp các công ty con được doanh nghiệp nhà nước bảo lãnh vay vốn để thực hiện đầu tư nhưng không hiệu quả.

Đối với công ty con do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đã đầu tư tại các công ty này thì nghĩa vụ bảo lãnh của doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại.

“Nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước, cần xem xét lại quy định về việc cho phép doanh nghiệp nhà nước bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại các tổ chức tín dụng”, Bộ Tài chính kiến nghị.

Về việc trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, quy định tại Thông tư 228 chưa hướng dẫn việc trích lập các khoản đầu tư vào các tổ chức kinh tế nước ngoài mà bị lỗ.

Sửa quy định tránh găm giữ lợi nhuận ở nước ngoài

Bộ Tài chính khẳng định các quy định về thuế và đầu tư hiện nay đang có nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo Điều 1 Thông tư 96 về Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định “khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài được kê khai thuế vào quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm có chuyển phần thu nhập về nước theo quy định pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài”.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp có thu nhập tại dự án ở nước ngoài nhưng chưa chuyển về nước thì chưa thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số thu nhập này.

Tại điều 31, Nghị định 91/2015 quy định: “Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định, chia lãi cho các bên góp vốn, trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, lợi nhuận còn lại được nộp về ngân sách nhà nước”.

Bộ Tài chính cho rằng hai quy định trên dẫn đến những cách hiểu khác nhau, cụ thể, trường hợp công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước nhận được thông báo chia cổ tức lợi nhuận của dự án ở nước ngoài nhưng chưa chuyển về nước. Theo Thông thư 96 thì phần lợi nhuận đó chưa được hạch toán vào doanh thu tài chính của công ty mẹ, do đó không làm phát sinh tăng phần lợi nhuận còn lại được chia của công ty mẹ phải nộp về ngân sách nhà nước.

Song Nghị định 91, lợi nhuận đó được hạch toán vào doanh thu tài chính của công ty mẹ không phụ thuộc vào việc công ty mẹ đã nhận được tiền hay chưa nhận, qua đó làm tăng lợi nhuận của công ty mẹ, đồng thời tăng phần lợi nhuận còn lại phải nộp về ngân sách nhà nước của công ty mẹ.

Trên thực tế đó Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng trình các cấp.

Thứ nhất, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, chế độ hạch toán kế toán đối với doanh nghiệp nhà nước và tránh trường hợp doanh nghiệp không bảo toàn được số lợi nhuận sau thời gian để lại tại nước ngoài, Bộ Tài chính muốn sử Thông tư số 96 theo hướng chia lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài sẽ hạch toán vào thu nhập của năm phát sinh thu nhập tại nước ngoài.

Trường hợp việc chia lợi nhuận đươc thông qua sau năm phát sinh thì doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ hạch toán vào thu nhập của năm có nghị quyết chia lợi nhuận. Sau khi hạch toán vào thu nhập, doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Về lâu dài, nhằm đảm bảo ann toàn tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao cho nghiên cứu, xem xét lại các quy định về việc cho phép doanh nghiệp nhà nước bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Giải mã lợi nhuận nghìn tỷ từ nước ngoài của Viettel

Bài viết mới