Khoảnh khắc người mẹ trẻ cho con bú sau vườn nhà thoạt nhìn hẳn lay động nhiều người. Thế nhưng, xung quanh không một bóng cây, chẳng một ngọn cỏ, bao phủ lên mọi vật chỉ có một màu u ám ngột ngạt.
Hai mẹ con lọt thỏm giữa những núi rác thải dơ dáy, những gói đồ ăn đã phân hủy, thùng nhựa và thậm chí cả những túi máu…Rồi người phụ nữ sẽ phải nhanh chóng quay lại với công việc, cặm cụi trong biển rác thải hàng giờ, tiếp đó là nấu chảy rác giữa màn khói độc bao phủ gia đình nhỏ.
Người mẹ ôm con giữa rác thải ngồn ngộn trong phim tài liệu “Plastic China”. Ảnh: NEWS.COM.AU
Nằm gần TP Thanh Đảo, phía Đông Bắc Trung Quốc, đây là cảnh tượng ở một trong gần 30 thị trấn “rác độc” xa xôi của nước này, chuyên xử lý tái chế chất thải dẻo của thế giới. Từ những container rác tấp nập tới đây, có thể nhận ra núi chất thải khổng lồ này đến từ Úc, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ bên cạnh một phần nhỏ từ trong nước.
“Công việc bẩn thỉu, mệt mỏi và cũng chẳng kiếm được bao nhiêu”- ông Kun, chủ một hãng tái chế rác địa phương, cho biết. Công việc của người đàn ông này là chủ đề của bộ phim tài liệu “Plastic China” của đạo diễn Jiu-Liang Wang, trình chiếu hôm 15-10 tại Sydney – Úc trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Tài liệu Antenna.
Nói là ông chủ song ông Kun cũng chính là nhân viên cùng với vợ, mẹ và gia đình kế bên – nơi có người mẹ trẻ nêu trên. Bọn trẻ của cả hai gia đình cũng sớm gia nhập công việc nặng nhọc này. Ở cả hai ngôi nhà, rác xâm chiếm tới tận bàn ăn, giường ngủ! Vẫn biết là nguy hiểm và độc hại nhưng những con người vốn xuất thân là nông dân này chẳng có lựa chọn nào khác. “Tôi phải làm công việc này, vì con cái, vì cha mẹ mình” – ông Kun trải lòng.
Đánh giá “Plastic China” là một tác phẩm đáng kinh ngạc, Giám đốc LHP Antenna David Rokach nói rằng bộ phim đã nhìn thẳng vào tác động trực tiếp của ngành công nghiệp rác thải lên những gia đình, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng trong khi chúng khuất mắt, hành động của chúng ta có thể ảnh hưởng tới những con người sống cách xa hàng ngàn ki-lô-mét.
Hồi tháng 7, Trung Quốc đã đưa ra một thông báo khiến thế giới rác thải chấn động: từ năm 2018, đất nước nhập khẩu rác thải nhựa dẻo lớn nhất thế giới này sẽ không còn nhập rác của các nước khác nữa. Theo các chuyên gia về xử lý rác thải của Úc – một trong những nước xuất khẩu rác nhiều nhất sang Trung Quốc, hệ thống tái chế rác của nước này có thể sụp đổ nếu không “giải phóng” được rác sang thị trường khác.