“Nước rút” bán vốn Vinamilk, Sabeco và Habeco: Có hoàn tất được trong năm nay?

Vinamilk có động thái mới, Sabeco và Habeco còn bỏ ngỏ

Sáng nay (16/10), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức họp báo công bố thông tin về buổi giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo đó, SCIC sẽ tổ chức roadshow ở 2 thị trường nước ngoài là Singapore và HongKong. Ở Việt Nam, roadshow sẽ được tổ chức vào 18/10 tới đây tại HOSE.

Tại buổi họp báo, đại diện SCIC cho biết vẫn chưa chốt giá khởi điểm, muộn nhất là ngày 21/10 sẽ công bố giá bán và ngày 11/11 sẽ tiến hành chào bán. SCIC cũng sẽ không có tiêu chí nhà đầu tư chiến lược, cơ hội mở cho mọi tổ chức, cá nhân.

Sau đợt bán 9% vốn VNM lần đầu tiên, đợt này SCIC sẽ tiếp tục bán 3,33% vốn với liên danh tư vấn UBS AG – Chi nhánh Singapore (UBS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Liên danh tư vấn sẽ tư vấn phương án bán vốn, định giá khởi điểm, tư vấn tổ chức giới thiệu tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các thủ tục liên quan để tổ chức bán cổ phần.

SCIC sẽ phối hợp với Liên danh tư vấn là các tổ chức tài chính có uy tín trong và ngoài nước thực hiện bán phần vốn Nhà nước tại Vinamilk một cách công khai, minh bạch, theo các quy định của pháp luật đảm bảo hiệu quả và chống lợi ích nhóm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Vinamilk là một trong 3 trường hợp cổ phần hóa được ngóng đợi bậc nhất thời điểm này, cùng với Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) và Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – BHN).

Tuy nhiên, khi Vinamilk bắt đầu rục rịch thực hiện việc bán vốn lần hai sau hơn 10 tháng bán vốn đợt đầu tiên thì Sabeco và Habeco vẫn còn “im hơi lặng tiếng”. Tại Habeco, hai cổ đông lớn là Bộ Công Thương sở hữu 81,79% vốn và Carlsberg Breweries A/S sở hữu 17,34% vốn. Tại Sabeco, Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 89,59%.

Dù kế hoạch bán vốn đã được nhắc tới khá lâu nhưng đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa trình kế hoạch bán vốn tại hai công ty này. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra hạn cuối cho Bộ Công Thương phải trình được kế hoạch thoái vốn ở hai công ty bia là ngày 20/10, theo Reuters. Như vậy chỉ còn 4 ngày nữa là tới hạn, liệu Bộ Công Thương có hoàn thành nhiệm vụ được giao?

Con đường nhiều khúc quanh và lơ lửng deadline?

Vì sự chậm trễ thoái vốn tại hai công ty lớn nhất ngành bia mà ngày 27/9, Cục Tài chính Doanh nghiệp trình Bộ Công Thương kiến nghị nếu không thể có bản cáo bạch thoái vốn trước ngày 30/9 thì chuyển Habeco và Sabeco về SCIC.

Trước đó, ngày 22/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng trong việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng trong việc thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước. Bán bao nhiêu phần trăm vốn Nhà nước là do Bộ trưởng quyết định, mục tiêu là thu lại cho Nhà nước cao nhất, không tiêu cực, không lợi ích nhóm… Đặc biệt, nếu có vướng mắc thì Bộ Công Thương làm việc với các bộ, nhưng ngay cả khi không thống nhất được, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ trưởng Công Thương, chứ không báo cáo Thủ tướng nữa.

Như vậy có thể thấy kế hoạch hiện tại trong việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco hoàn toàn thuộc về Bộ Công Thương. Tuy nhiên, chẳng hạn ở Habeco, cái khó vẫn nằm ở việc đàm phán với cổ đông chiến lược Carlsberg.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký giữa Carlsberg và Bộ Công Thương vào năm 2009. Thỏa thuận này cho phép Carlsberg được quyền ưu tiên mua trước khi Habeco bán tiếp cổ phần. Vì vậy, Habeco ưu tiên đàm phán với Carlsberg trước các đối tác khác.

Tuy nhiên, Carlsberg nhiều lần bày tỏ sẽ không trả mức giá cao hơn để tăng tỷ lệ sở hữu. Đại diện Habeco từng khẳng định tiến độ đàm phàn bán cổ phần với Carlsberg vẫn chậm và hạn chót hoàn thành đàm phán là 15/11.

Đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có thông tin chính thức về việc chào bán bao nhiêu lượng cổ phần, bán một lần hay cách thức bán chia làm nhiều đợt. Kết quả đàm phán với Carlsberg cũng chưa có công bố. Chốt phiên ngày 13/10, cổ phiếu BHN có giá 115.400 đồng/cp. Với mức giá này, số cổ phần Bộ Công Thương có thể vào khoảng 21.879 tỷ đồng.

Về phần mình, CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) dự đoán khả năng lớn nhất Bộ Công Thương chỉ bán 31,7% vốn Habeco cho Carlsberg và đây cũng là mức tối đa cho phép theo room nước ngoài hiện tại. Chuyển nhượng một phần cổ phần sẽ có tác động hữu ích và giúp Chính phủ bổ sung nguồn ngân sách trước cuối năm.

Trong khi đó, HSC dự đoán Nhà nước sẽ bán 53,59% cổ phần tại Sabeco và giảm uống 36%, là mức sở hữu đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông lớn đối với công ty. Giá trị thị trường của 53,59% cổ phần này theo HSC ước tính khoảng 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.

Tuy nhiên, dự đoán chỉ là dự đoán. Kế hoạch thoái vốn trình Thủ tướng sẽ chốt ngày 20/10 theo yêu cầu, khi đó có thể mọi câu hỏi sẽ được làm sáng tỏ. Cũng như có thể sẽ đáp ứng được kỳ vọng của Cục Tài chính doanh nghiệp là hoàn thành thoái vốn Sabeco và Habeco để chuyển tiền về Quỹ trước ngày 1/12/2017.

SCIC hé lộ thông tin bán vốn tại Vinamilk: Giá khởi điểm phải chờ đến sát ngày đấu giá mới công bố

Bài viết mới