Ngày 16-10 là thời hạn để chủ đầu tư của 2 dự án lấn vịnh Nha Trang phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu với diện tích trên 30.000 m2 đã lấn biển. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ thực tế, việc khắc phục vẫn còn ngổn ngang, thậm chí chưa được thực hiện.
Chờ chủ đầu tư báo cáo
Tại dự án trồng rừng và nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) do Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa làm chủ đầu tư, đất đá lấn biển vẫn trải dài trên mặt vịnh. Phía trong có 2 xe múc đang ở công trường, không thấy bất cứ sà lan nào chở đất đá ra khỏi đảo. Các kè đá, ta-luy vẫn còn nguyên chưa có tác động nào cho thấy chủ đầu tư đang khắc phục lại nguyên trạng diện tích gần 13.000 m2 lấn biển.
Trước đó, ngày 12-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền là 175 triệu đồng về 4 hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa (lấn chiếm danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang), xây dựng đường trái phép lên đỉnh Hòn Rùa và không thực hiện các biện pháp theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa, trưởng đoàn kiểm tra các dự án lấn vịnh Nha Trang, dự án này mới được tống đạt quyết định xử phạt. Về thời hạn ngày 16-10 nhưng chủ đầu tư chưa khắc phục xong, ông Thành cho biết vẫn đang chờ báo cáo khắc phục của chủ đầu tư. Chúng tôi liên lạc với người phụ trách công trình tại đảo Hòn Rùa nhưng người này không nghe máy.
Một dự án lấn biển khác bị phạt 105 triệu đồng là khu du lịch Champarama Resort & Sapa (Công ty CP Khu du lịch Champarama làm chủ đầu tư), đến ngày 16-10 cũng là thời hạn để chủ đầu tư khắc phục nguyên trạng diện tích trên 17.500 m2 lấn biển trái phép. Ghi nhận thực tế, công trình này vẫn còn những đống đất lớn được móc lên để cạnh những khối đất đá nhô ra biển, dù từ ngày 7-10 chủ đầu tư đã có văn bản báo cáo khắc phục xong.
Từ ngày 11-10, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TN-MT dẫn đầu đã đi kiểm tra nhưng đến ngày 16-10 vẫn chưa có kết quả. Trả lời câu hỏi dự án này có đạt yêu cầu hay không, ông Nguyễn Văn Thành cho biết đoàn liên ngành vẫn còn bàn thảo, sau khi có kết quả sẽ báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa để có hướng xử lý và thông tin.
Dự án trên đảo Hòn Rùa còn nguyên hiện trạng dù UBND tỉnh Khánh Hòa cho thời hạn đến ngày 16-10 phải khắc phục xong
Khó vẫn phải làm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng để trả lại hiện trạng ban đầu thì phải móc toàn bộ đất đá lên, sau đó phục hồi lại hệ sinh thái, môi trường. Điều cần thiết hiện nay là các ngành chức năng phải theo dõi, kiểm tra, xem xét việc trả lại nguyên trạng có đúng hay không hay chỉ lấp liếm cho có? Như trước đó từng tồn tại dự án Nha Trang Sao (một dự án lấn vịnh 2,3 ha trái phép trước đó) với lập luận “hơi ngược đời” là khi lấp xuống thì không nói hủy hoại môi trường nhưng khi đào lên trả lại như cũ thì sợ ảnh hưởng môi trường nên để diện tích lấn biển trái phép sử dụng làm công viên công cộng.
Riêng ở dự án trên đảo Hòn Rùa, theo ông Lộc, phải dùng sà lan đem đất đá về lại bờ. Nếu múc đất đá đổ lên đảo là không được vì sẽ vi phạm cao độ, làm thay đổi hiện trạng và ảnh hưởng đến môi trường. “Giờ phải làm đến nơi đến chốn chứ không chủ đầu tư lại lờ đi kiểu “tôi nộp một trăm mấy chục triệu tiền phạt rồi để tôi làm”. Còn về cách khắc phục, lấp xuống đã khó thì múc lên sẽ khó gấp đôi nhưng vẫn phải làm, chứ cứ nói lý do khó khăn thì luật pháp đâu có nghiêm được” – ông Lộc nói.
TS Lê Đình Mầu, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết liên quan đến các vấn đề sinh thái, san hô, Viện Hải dương học đã cử người tham gia giám sát. Tuy nhiên, khu vực đảo Hòn Rùa và dự án Champarama là nơi có dòng chảy mạnh nhất. Việc đổ đất đá xuống rồi múc lên trả lại nguyên trạng không đơn giản và khó hơn lấp xuống nhiều. Ở các công trình lấn biển mà thi công kiểu xếp bên ngoài đá to, bên trong đất cát thì sẽ bị sóng đánh sập xuống, như trường hợp ở TP Quy Nhơn, công trình lấn biển bị sóng đánh bùn cát, ảnh hưởng bãi tắm. Với khối lượng như trên thì múc cả năm cũng chưa chắc xong. Nguy cơ trong thời gian tới lượng đất đá này sẽ phát tán ra cả vịnh Nha Trang.
Không thể để chủ đầu tư “tự xử”
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng để trả lại hoàn nguyên 13.000 m2, ước tính chiều cao từ dưới mặt biển lên trên khoảng 4-5 m, thì khối lượng đất đá đổ xuống vịnh tương đương khoảng 50.000- 60.000 m3. Việc thi công múc hết đất đá lên cần phải trình bày phương án kỹ thuật để bảo vệ môi trường, không nên giao hẳn chủ đầu tư “tự xử” .