Theo đó, cùng với việc phê duyệt khung chính sách bồi thường nói trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện nội dung báo cáo và ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã gửi Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đó, có khoảng 4.800 hộ dân với 15.500 nhân khẩu bị thu hồi đất. Riêng số tiền dành cho việc bồi thường là 18.000 tỷ đồng, tức trung bình mỗi người dân nhận hơn 1 tỷ đồng…
Theo khung chính sách áp dụng cho các hộ dân phải di dời do UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng, người dân bị lấy đất không chỉ được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt mà còn nhận được nhiều chính sách ưu tiên khác như: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với người dân làm nông nghiệp, hỗ trợ kinh phí học tập đối với học sinh từ bậc mầm non tới phổ thông phải chuyển trường, học sinh được hỗ trợ mua thẻ BHYT với thời gian sử dụng 3 năm…
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn đề xuất thưởng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoàn thành sớm việc bàn giao mặt bằng với số tiền từ 1 – 12 triệu đồng.
Được biết, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Dự án được Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 9 thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 với mục tiêu xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).
Dự án trước mắt khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng đến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất đến năm 2025.