Cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử ở California đã khiến cả thành phố San Francisco chìm trong khói mù dày đặc. Theo cơ quan quản lý chất lượng không khí, người dân San Francisco phải sống chung với làn khói mù dày đặc suốt 5 ngày liên tiếp. Chất lượng không khí đang ở mức báo động khi chỉ số nồng độ bụi và tạp chất lên tới 158, thấp hơn một chút so với đỉnh điểm 165 ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Những thông số về chất lượng không khí ở San Francisco và Bắc Kinh được đưa ra dựa theo bộ đo PM2.5, chuyên dụng để xác định các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet trong không khí. Kích thước nhỏ giúp chúng có thể thâm nhập sâu vào phổi khi con người hít vào.
John Balmes, giáo sư y khoa của Đại học California, San Francisco, cho biết, ở lâu trong môi trường không khí ô nhiễm có thể dẫn tới các bệnh phổi và tim. Tuy nhiên, chúng bắt nguồn từ cháy rừng nên sẽ sớm kết thúc và không để lại hậu quả lâu dài với sức khỏe người dân. Dù vậy, nó gẫn gây ra cảm giác khó chịu tạm thời.
Lenard Lesser, bác sĩ tại Trung tâm y tế của thành phố, cho biết một số bệnh nhân tới khám và phàn nàn về khói với các triệu chứng đau cổ họng và khó thở. “Trẻ em, người lớn tuổi và những người bị bệnh phổi nên ở trong nhà khi chất lượng không khí xấu đi và đeo khẩu trang đặc dụng khi đi ngoài trời”, bác sĩ Lesser nói.