Những doanh nhân Việt đang làm CEO của công ty ngoại

Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Ông từng có nhiều năm gắn bó với PepsiCo và đảm nhận các vị trí quan trọng như Tổng Giám đốc PepsiCo Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại PepsiCo Đông Nam Á.

Sau này, ngày càng có thêm nhiều doanh nhân Việt được các công ty ngoại “chọn mặt gửi vàng” bổ nhiệm chức vụ CEO. Trong số đó có thể kể đến ông Thân Trọng Phúc – cựu CEO Intel Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy – cựu CEO ANZ Việt Nam , ông Võ Quang Huệ – cựu CEO Bosh Việt Nam hay ông Vũ Minh Trí – cựu CEO Microsoft Việt Nam.

Dưới đây là một số người Việt hiện đang đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam:

1. Phạm Hồng Hải – CEO HSBC Việt Nam

Ông Phạm Hồng Hải sinh năm 1974, có bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và chứng chỉ chuyên ngành dịch vụ tài chính của Học viện Dịch vụ Tài chính tại Vương quốc Anh.

Ông Hải gia nhập HSBC từ năm 1995 và được đánh giá cao trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam. Năm 2004, ông trở thành người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Phòng kinh doanh vốn và ngoại hối tại HSBC Việt Nam. Năm 2012, ông làm Giám đốc khối dịch vụ tài chính toàn cầu, thị trường vốn và ngoại hối (GB&M). Dưới sự lãnh đạo của ông Hải, GB&M phát triển trở thành một trong những khối kinh doanh được đánh giá cao trong số các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Tháng 12/2014, ông Hải chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam và trở thành người Việt đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại nhà băng ngoại này.

2. Phạm Văn Dũng – CEO Ford Việt Nam

Ông Phạm Văn Dũng sinh năm 1970, gia nhập Ford Việt Nam năm 1998 ở vị trí kế toán doanh nghiệp, và sau đó đã đảm nhiệm nhiều công việc liên quan đến các hoạt động tài chính của công ty. Ông có một thời gian công tác tại Melbourne (Australia) vào những năm 2004-2005, phụ trách tài chính cho bộ phận Bán hàng và Dịch vụ của Ford Australia. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc vào năm 2015, ông giữ chức Giám đốc Tài chính của Ford Việt Nam từ năm 2009.

Ông Phạm Văn Dũng có bằng Cử nhân và Thạc sĩ Kinh tế tại trường Đại học Thương mại Việt Nam, bằng Thạc sĩ Tài chính tại trường Đại học Công nghệ Swinburn, Australia.

3. Thiều Phương Nam – CEO Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia

Ông Thiều Phương Nam đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia từ ngày 20/12/2012. Trước khi gia nhập Qualcomm, ông Nam đã đạt học vị tiến sĩ ngành công nghệ bán dẫn tại Nga và bắt đầu làm việc cho Intel Việt Nam từ năm 29 tuổi.

Ông Nam đã có hơn 10 năm làm việc tại Intel với chức vụ cao nhất là Giám đốc Kinh doanh tại Việt Nam. Trong suốt thời gian làm việc tại Intel, ông đã góp phần đẩy mạnh thị trường Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Intel trên toàn cầu. Sau Intel, ông Nam đầu quân cho IBM và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc khu vực của công ty trong 2 năm cuối cùng làm việc tại đây.

4. Phạm Thái Lai – CEO Siemens Việt Nam

Tiến sĩ Phạm Thái Lai sinh ra tại Việt Nam và lớn lên ở châu Âu. Sau gần 30 năm sinh sống tại nước ngoài, ông trở về nước và giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam từ tháng 7/2012. Ông cũng là vị Tổng giám đốc người Việt đầu tiên trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Trước đó, từ năm 1997, ông đã tham gia chương trình đào tạo người kế nghiệp của tập đoàn công nghệ Siemens và được lựa chọn bồi dưỡng để trở thành CEO của Siemens Việt Nam. Ngoài theo đuổi việc học hành để lấy bằng tiến sỹ về kỹ thuật điện, tập đoàn đã đưa ông đi làm việc ở nước ngoài (tại Hoa Kỳ) và được luân chuyển qua một số bộ phận kinh doanh chủ chốt, đồng thời giữ nhiều vị trí quan trọng.

5. Nguyễn Tuấn Anh – CEO Grab Việt Nam

Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 1982, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Anh từng là Giám đốc Sản phẩm của Yahoo! tại Đông Nam Á, thành viên Ban Quản trị TGM (Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!) và tham gia một số dự án khởi nghiệp công nghệ như geeky.vn, metis.vn hay truongxua.vn.

Dưới sự lãnh đạo của Tuấn Anh, Grab Việt Nam đã phát triển với tốc độ chóng mặt sau hơn 3 năm chính thức hoạt động tại Việt Nam, thậm chí chiếm ưu thế trước đối thủ sừng sỏ Uber. Trong một sự kiện gần đây, CEO Grab Việt Nam tự tin tuyên bố “chúng tôi đã xong trận đánh giành thị phần”.

Doanh nhân Việt và xu thế hội nhập toàn cầu

Bài viết mới