1. Thay đổi trên da
Một dấu, vết, chấm, nốt mới xuất hiện trên da hoặc các vết chấm nốt cũ bỗng nhiên thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc – đó có thể là một dấu hiệu của ung thư da. Hoặc đôi khi bạn phát hiện một vài nốt trông không giống những dấu nốt khác và có vẻ bất thường.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da, bạn nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra một cách kỹ càng. Các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm bằng cách dùng loại thiết bị để lấy một vài mẩu nhỏ tại vị trí thay đổi bất thường trên da của bạn (gọi là sinh thiết) để tìm xem liệu trong đó có tế bào ung thư hay không.
2. Ho kéo dài
Nếu bạn không hút thuốc, thì khả năng ung thư khi xuất hiện triệu chứng ho kéo dài rất thấp. Thông thường, triệu chứng đó là do chảy mũi sau, hen suyễn, trào ngược dịch vị acid dạ dày, hoặc do nhiễm trùng.
(Ảnh minh họa)
Nhưng nếu bạn vẫn cứ ho kéo dài liên tục không dứt hoặc ho ra máu – đặc biệt là nếu như bạn có hút thuốc – thì đó là thời điểm bạn cần phải đi khám bác sĩ. Họ sẽ thực hiện các xét nghiệm đàm để kiểm tra các bất thường trong phổi, hoặc chụp phim X Quang ngực để kiểm tra có phải ung thư phổi hay không.
3. Những thay đổi bất thường ở vú
Hầu hết các sự thay đổi ở vú không phải là ung thư. Nhưng đó vẫn là dấu hiệu quan trọng mà bạn cần phải đi khám bác sĩ để họ thực hiện thăm khám kiểm tra. Hãy báo với bác sĩ của bạn nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sờ thấy một khối u trong vú, núm vú bất thường hoặc tiết dịch, đỏ ửng hay dày lên, hoặc cảm thấy đau trong vú.
4. Căng trướng bụng
Cảm giác đầy bụng, trướng bụng là bình thường nếu đó là do chế độ ăn hay thậm chí căng thẳng. Nhưng nếu nó không tự biến mất hoặc bạn cảm thấy mệt mỏi, sụt cân hay đau lưng, thì bạn cũng cần phải cảnh giác. Căng trướng bụng kéo dài liên tục ở phụ nữ có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.
5. Bất thường khi đi tiểu
Nhiều người đàn ông gặp phải nhiều vấn đề về tiểu tiện khi về già, như họ đi tiểu thường xuyên hơn, són ra quần, hoặc tia nước tiểu yếu. Thông thường, các dấu hiệu này là do phì đại tuyến tiền liệt, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt.
6. Sưng to hạch
Bình thường chúng ta đều có những hạch nhỏ, hình hạt đậu ở cổ, nách, và các vị trí khác trên cơ thể. Khi chúng sưng to, có nghĩa là cơ thể bạn đang gặp phải một tình trạng bị tấn công bởi vi trùng như cảm cúm hay viêm họng. Một vài loại ung thư như ung thư hạch và ung thư máu (còn gọi là bạch cầu cấp hay bệnh máu trắng) cũng làm cho các hạch sưng to.
7. Đi tiểu ra máu
Nếu bạn thấy máu sau khi đi vệ sinh, điều tốt nhất bạn nên làm là đi khám bác sĩ. Đi tiêu phân dính máu thường là do bệnh viêm sưng tĩnh mạch hay còn gọi là trĩ, nhưng đó cũng là dấu hiệu của ung thư đại tràng. Đi tiểu ra máu cũng là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu, nhưng cũng có thể nguyên nhân là do ung thư thận hoặc bàng quang.
8. Tinh hoàn bất thường
Nếu bạn phát hiện thấy một khối bất thường trong tinh hoàn hoặc cảm thấy sưng to, bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức. Một khối u không đau trong tinh hoàn thường là do ung thư tinh hoàn. Đôi khi, một số người chỉ cảm thấy nặng vùng bụng dưới, hay trong bìu hoặc thấy tinh hoàn của mình hơi to lên.
9. Khó nuốt
Các bệnh cảm thông thường, trào ngược dạ dày thực quản khiến bạn cảm thấy nuốt khó trong một thời gian. Nuốt khó cũng có thể là dấu hiệu của ung thư vùng hầu họng hoặc ống tiêu hóa giữa miệng và dạ dày, được gọi là thực quản.
10. Chảy máu âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt một cách bất thường là do rất nhiều nguyên nhân, như u xơ hoặc do một vài phương pháp tránh thai. Nhưng bạn cần phải thông báo với bác sĩ mỗi khi có các triệu chứng chảy máu bất thường ngoài chu kỳ, sau khi quan hệ, hoặc sau khi đi vệ sinh.
Bác sĩ sẽ giúp bạn tầm soát các bệnh ung thư tử cung, cổ tử cung, hay âm đạo. Bạn chắc chắn cần phải đi khám bác sĩ nếu như có xuất huyết âm đạo tại thời điểm mãn kinh. Đó là bất thường và cần đi khám ngay lập tức, không nên chần chừ.
11. Vấn đề răng miệng
Hầu hết các về đề răng miệng như hơi thở hôi hay loét miệng đều không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu bạn phát hiện thấy có vài nốt hay vết loét đỏ hoặc trắng thì bạn cần phải đi khám bác sĩ – đặc biệt là ở những người có hút thuốc lá thường xuyên.
Đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vòm họng. Bạn cũng cần quan tâm nếu thấy một khối u trong má, khó khăn trong di chuyển hàm, hoặc đau họng.
12. Sụt cân
Sụt cân xảy ra khi bạn thay đổi chế độ ăn hoặc tập thể dục. Sụt cân cũng có thể có nếu bạn có một vài tình trạng như stress hay bất thường tại tuyến giáp. Nhưng sẽ là không bình thường nếu như bạn tự nhiên bỗng dưng bị sụt mất khoảng 5 kg. Đó có thể là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư tụy, dạ dày, thực quản, hoặc phổi.
(Ảnh minh họa)
13. Sốt
Sốt là một dấu hiệu tốt, cho thấy cơ thể của bạn đang có phản ứng để chống lại nhiễm trùng, đôi khi là tác dụng phụ của một vài loại thuốc. Nhưng nếu bạn cứ sốt liên tục không dứt thì rất có thể nguyên nhân là do bệnh ung thư máu hay ung thư hạch.
14. Ợ nóng hay khó tiêu
Hầu hết mọi người đôi khi đều có cảm giác ợ nóng, khó tiêu do chế độ ăn hay stress. Nếu đã thay đổi thói quen sinh hoạt mà không làm cải thiện tình trạng này, đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày.
15. Mệt mỏi
Có rất nhiều thứ có thể làm cho bạn có cảm giác mệt mỏi, hầu hết đều không quá nghiêm trọng. Nhưng mệt mỏi đôi khi là dấu hiệu sớm của một vài bệnh ung thư, như ung thư máu. Ung thư đại tràng hay dạ dày khiến bạn bị xuất huyết rỉ rả qua đường tiêu hóa (đôi khi bạn không tự nhận biết được), cũng khiến bạn thấy rất mệt mỏi.
Nếu bạn cứ thấy mệt mỏi kéo dài liên tục mà không bớt, hãy đi khám bác sĩ.
*Theo Webmd