Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ bởi tính kỷ luật và cạnh tranh cao độ, từ cuộc cách mạng công nghệ trong sản xuất đến văn hóa làm việc nghiêm túc của tập thể lãnh đạo công nhân viên.
Tuy nhiên, cũng tương tự như bao thương hiệu nổi tiếng khác, việc xây dựng danh tiếng cần tốn nhiều thời gian nhưng phá hủy chúng thì chỉ trong 1 nốt nhạc. Những ngày gần đây hàng loạt các công ty đang phải đau đầu khi hãng Kobe Steel, chuyên cung cấp thép và nguyên vật liệu cho sản xuất ô tô, máy bay hay tàu cao tốc đã thừa nhận làm giả số liệu chất lượng của sản phẩm aluminum và đồng mà hàng cung cấp.
Hay như tuần trước, hãng ô tô Nissan đã phải thu hồi hơn 1 triệu sản phẩm sau khi các nhà chức trách từ chối công nhận tiêu chuẩn đo lường chất lượng của hãng. Trong khi đó, hãng sản xuất túi khí xe hơi đã phá sản Takata của Nhật tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình khi khiến hàng loạt chiếc xe tiếp tục phải thu hồi do các nhà điều tra kết luận rằng dù với tiêu chuẩn đo lường chất lượng mới, những túi khí của hãng này vẫn có thể phát nổ khi ô tô gặp tai nạn.
Giám đốc Naoto Umehara của Kobe Steel xin lỗi công chúng
Không công bằng?
Hãng Aberdeen Investment Management ở Tokyo cho rằng những vụ việc về tiêu chuẩn chất lượng trên là điều bình thường với các công ty trên thế giới và việc truyền thông nhấn mạnh những sai phạm ở Nhật Bản là hành vi thiếu công bằng.
Kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền vào năm 2012, chính phủ nước này đã tăng cường các biện pháp quản lý với giới doanh nghiệp nhưng chúng chủ yếu tập trung vào nâng cao lợi nhuận cho họ nhằm thúc đẩy kinh tế hơn là quan tâm đến chất lượng, môi trường làm việc của lao động…
Tỷ lệ chi trả cổ tức và việc mua lại cổ phiếu của công ty Nhật đã tăng lên nhưng những vụ tự tử do làm việc quá sức, sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lại cũng tăng theo.
Trong khoảng 5 năm kể từ vụ bê bối kế toán 1,7 tỷ USD của hãng sản xuất thiết bị y té Olympus Corp vào năm 2011, số vụ vi phạm sổ sách kế toán của các công ty niêm yết ở Nhật đã tăng 100% qua từng năm. Tính trong 12 tháng đến tháng 3/2016, số liệu của Tokyo Shoko Research đã ghi nhận 58 vụ vi phạm nguyên tắc kế toán, mức cao kỷ lục từ trước tới nay ở một quốc gia trọng kỷ luật như Nhật Bản.
Điển hình trong số đó là vụ vi phạm sổ sách kế toán của tập đoàn Toshiba gây nên khoản phạt 7,4 tỷ Yên (66 triệu USD) vào tháng 12/2015. Vụ bê bối này liên quan đến 3 vị chủ tịch của hãng, tạo nên khoản lỗ kỷ lụ và buộc công ty phải sa thải nhân công cùng bán lại mảng thiết bị bán dẫn cho hãng khác.
Giá cổ phiếu của Kobe giảm mạnh sau vụ bê bối
Trong khi một số hãng đầu tư như Wisdom Tree Japan cho rằng những vụ việc lớn trên chứng tỏ sự sát sao và nghiêm túc của chính phủ với tiêu chuẩn chất lượng và hoạt động kinh doanh tại Nhật, bởi những vấn như sai lầm sổ sách kế toán hay chất lượng tại Mỹ diễn ra thường xuyên và không được giới truyền thông để ý mấy.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng thương hiệu và chất lượng Nhật Bản đã được xây dựng qua nhiều năm và những vụ việc trên có thể phá hủy chúng vô cùng nhanh chóng. Hãng BDTI của Nhật cho rằng các doanh nghiệp xây dựng thành công dựa trên chất lượng sẽ chịu thiệt hại nặng nề do bị ảnh hưởng uy tín.
Những vụ việc gây chấn động thế giới về chất lượng của Nhật đã gia tăng trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ những chính sách ngày càng chặt chẽ của chính phủ. Năm 2006, nước này thông qua đạo luật cấm các công ty sa thải những nhân viên tố cáo hành vi sai trái trong nội bộ. Thêm vào đó, các nguồn thông tin hiện nay chủ yếu được mã hóa và có thể dễ dàng gửi cho các cơ quan chức nắng qua Internet.
Ảnh hưởng lan rộng
Hãng Kobe Steel cho biết họ đang điều tra nội bộ nguyên nhân của vụ việc trên nhưng hình ảnh công ty đã bị ảnh hưởng lớn. Giá cổ phiếu của Kobe đã giảm 17% trong phiên 11/10, mức giảm 2 phiên mạnh nhất kể từ năm 1974. Thậm chí hãng Tachibana Securities nhận định hãng Kobe sẽ phải tốn rất nhiều chi phí bồi thường nếu buộc phải thu hồi các sản phẩm sau đó do không đảm bảo chất lượng.
Vụ việc của Kobe liên quan đến 4 nhà máy sản xuất ở Nhật Bản trong khoảng tháng 9/2016-8/2017 với 19.300 tấn aluminum cuộn nóng, 19.400 thỏi aluminum và 2.200 tấn đồng.
Aluminum vốn là vật liệu được sử dụng rộng rãi cho sản xuất xe hơi, tàu cao tốc và máy bay do có trọng lượng nhẹ nhưng bền chắc. Hiện Kobe chưa công bố danh sách khách hàng đã mua sản phẩm của hãng nhưng thương hiệu này là nhà cung cấp nổi tiếng cho nhiều công ty lớn trên thế giới.
Các hãng xe Toyota, Nissan và Honda cho biết họ sử dụng sản phẩm của Kobe cho cửa và trần xe hơi, trong khi hãng Subaru dùng cho sản xuất phần cánh máy bay của Boeing.
Hãng Mitsubishi Heavy Industries đã thừa nhận có sử dụng sản phẩm của Kobe trong việc chế tạo các thành phần máy bay. Công ty Mazda Motor cũng thừa nhận sử dụng sản phẩm của Kobe.
Theo Bloomberg Intelligence, tác động lớn nhất của vụ việc trên là hình ảnh thương hiệu Nhật. Chúng gửi một thông điệp đến thị trường rằng sản phẩm Nhật có thể không hoàn toàn hoàn hảo và đây là cơ hội cho những nhà sản xuất từ nước khác như Trung Quốc.
Mặc dù Nhật Bản đã từ bỏ vị trí dẫn đầu trong mảng sản xuất tivi, điện thoại và máy tính nhưng chất lượng các dòng sản phẩm máy móc, máy ảnh, màn hình cảm ứng, hóa chất… của Nhật vẫn đứng đầu thế giới. Nhờ chất lượng tốt, hàng của Nhật vẫn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế bất chấp cạnh tranh quyết liệt từ đối thủ.
Ví dụ Trung Quốc là nhà xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nhưng Nhật Bản vẫn xuất khẩu lượng lớn quặng sắt và thép sang thị trường này.
Hãng Kobe cho biết hiện chưa có khách hàng nào phản hồi về sản phẩm liên quan đến chất lượng, nhưng thông tin trên đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của doanh nghiệp.