Nhìn từ bên ngoài, có thể coi Australia là một “phép màu” về kinh tế với kỷ lục 26 năm liên tiếp tăng trưởng, có nguồn tài nguyên dồi dào và chất lượng cuộc sống khiến nhiều nước khác phải ghen tỵ. Tuy nhiên, nhìn gần hơn thì đó không phải là 1 bức tranh chỉ toàn màu hồng.
26 năm không suy thoái nhưng Australia đã bị bỏ lại phía sau về tốc độ tăng trưởng.
Tình trạng bế tắc chính trị kéo dài suốt 1 thập kỷ đang đe dọa đến triển vọng của Australia bởi bộ máy lãnh đạo liên tục thay đổi khiến các cải cách cần thiết không được thực thi. Chỉ trong 10 năm qua, Úc đã thay 5 đời Thủ tướng, khiến các nhà lãnh đạo bị giảm sút quyền lực khi vừa phải để mắt đến những thành viên sẵn sàng nổi cáu trong đảng của mình vừa phải lo lắng về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc trưng cầu dân ý.
Dự án đầu tư 49 tỷ đô Úc (tương đương 38 tỷ USD) để phát triển mạng lưới băng thông rộng thất bại thảm hại là 1 ví dụ. Được dự tính sẽ là bước đi đầu tiên mở ra 1 cuộc cách mạng kỹ thuật số ở Australia, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Úc từ trước đến nay đã biến thành nơi các chính trị gia đấu đá. Chi phí bị đội lên và dự án liên tục chậm tiến độ.
Tốc độ truy cập Internet tại các nước trong quý I/2017.
Trong khi đó, các chính sách thuế lại biến thị trường nhà đất Australia thành nơi để đầu cơ, khiến tỷ lệ sở hữu nhà trong giới trẻ giảm xuống mức thấp kỷ lục. Cơn sốt bất động sản kéo dài 15 năm khiến tất cả mọi người “ngã quỵ”, trừ giới nhà giàu.
Những tranh cãi về quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch gây ra 1 nghịch lý chẳng mấy vui vẻ: Australia – nước có nguồn than đá và khí đốt khổng lồ và cả những điều kiện lý tưởng nhất để phát triển các loại năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió lại đang phải trả những hóa đơn điện đắt đỏ nhất thế giới, thậm chí còn có nguy cơ thiếu điện vào mùa hè này.
Giá điện ở Australia thuộc hàng cao nhất thế giới.
Mặc dù trong thập kỷ vừa qua nền kinh tế Australia đã tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nước phát triển khác, giá trị vốn hóa của TTCK vẫn thấp hơn thời kỳ trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra và còn bị thị trường Hàn Quốc và Ấn Độ vượt mặt. Thị trường này thiếu sự đột phá với danh sách 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất giữ nguyên như 10 năm trước. Ở TTCK Mỹ, chỉ Microsoft làm được điều này.
Trong cuốn sách xuất bản năm 1964, nhà báo, học giả người Úc Donald Horne đã rút ra kết luận “Australia là 1 đất nước may mắn nhưng lại được điều hành bởi những nhà lãnh đạo không hề xuất sắc”. Giờ đây nhận định này đã trở nên đúng hơn bao giờ hết.