TTCK Việt Nam trải qua một tuần tăng điểm tuy nhiên yếu tố thanh khoản có phần sụt giảm
Tuần qua, thị trường có một tuần tăng điểm nhẹ, giao dịch vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng, vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu có yếu tố thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại sụt giảm.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 807,80 điểm, tăng 3,38 điểm (+0,42%) và HNX-Index chốt phiên ở 107,98 điểm, tăng 0,32 điểm (+0,3%) so với tuần liền trước. Mức tăng của chỉ số đến từ sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và đây cũng là nhóm gia tăng thanh khoản cho thị trường trong các phiên cuối tuần. Yếu tố thanh khoản hạn chế tuy vậy dòng tiền ngắn hạn vẫn đang hướng đến nhóm nhỏ các cổ phiếu kỳ vọng từ kết quả kinh doanh. Xu hướng của thị trường vẫn là đi ngang với mức hỗ trợ 800 và mức kháng cự tâm lý 810 hiện tại.
Một điểm đáng chú ý tuần qua là cổ phiếu VCB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam) vào phiên giao dịch ngày 04/10 đã có nhiều nỗ lực tăng điểm đáng kể, đã có lúc chạm mức 39.000 đồng/ cổ phiếu . Nhóm cổ phiếu dòng bank cũng chào đón một tân binh là LPB (Ngân hàng Thương mại cổ phần bưu điện Liên Việ) lên sàn UpCom vào ngày 5/10. Đóng cửa tuần qua, LPB giảm xuống còn 13.800 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, vào phiên giao dịch những ngày cuối tuần, nhận thấy một vài nhóm cổ phiếu lớn chủ yếu lình xình như HPG, VIC, GAS trong khi nhóm cổ phiếu trung bình và nhỏ lại xuất hiện một số trường hợp đặc biệt tăng điểm bao gồm DCM, DGW, PHR, SBV và FMC.
Đáng quan tâm nữa là cổ phiếu DGW (CTCP Thế giới số) tuần qua cũng đã vụt tăng trần lên mức giá 18.150 đồng/cổ phiếu (+9,8%). Thông tin được công bố đơn thuần là HĐQT công ty đưa ra nghị quyết góp vốn thành lập công ty cổ phần tập đoàn B2X Việt Nam tới đây. Bên cạnh đó, cổ phiếu FMC (CTCP Thực phẩm Sao Ta) cũng đã tăng vọt lên mức giá gần 21.000 đồng/cổ phiếu nhờ thông tin doanh nghiệp công bố các con số sơ kết hoạt động cho năm tài chính 2016-2017. Theo đó lợi nhuận trước thuế của DN đạt 125 tỷ đồng vượt chỉ tiêu đề ra là 100 tỷ đồng. Theo nhận định từ doanh nghiệp thì nhìn chung cả ba lĩnh vực chế biến tôm, chế biến nông sản, nuôi tôm đều có lãi. Năm nay, giá tôm nguyên liệu khi vào vụ không giảm, còn tăng nhẹ khiến những hợp đồng ký trước giảm hiệu quả. Tuy nhiên, tôm nuôi trúng và giá tốt nên bù qua và vượt kế hoạch đề ra.
Đối với thị trường CK phái sinh, chốt tuần 4 hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận đều về điểm số trong những phiên cuối tuần tuy nhiên thị trường phái sinh những phiên gần cuối tuần lại đang diễn ra một sự thay đổi chóng mặt. Buổi sáng giao dịch èo uột và nguy cơ giảm ở chỉ số rất dễ nhận thấy tuy nhiên đến chiều điểm số đã lấy lại đà tăng và vọt lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, hiện nay tính thanh khoản đang ngày càng gia tăng mạnh cũng là cơ hội cho cả hai vị thế mua và bán đều kiếm được lợi nhuận ngay trong phiên giao dịch.
TTCK thế giới cũng ghi nhận kỷ lục mới của chỉ số với thanh khoản thấp
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong tuần qua, đưa các chỉ số chứng khoán chính lên mức cao kỷ lục tuy nhiên thanh khoản thị trường cũng đang ở mức thấp. Chỉ số S&P 500 đã tăng tám ngày liên tiếp trước khi giảm trở lại vào thứ Sáu. Đây là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ năm 2013. Kết thúc một tuần giao dịch, S&P 500 tăng 27 điểm (1,1%), Dow Jones Industrial Average tăng 350 điểm (1,5%), Nasdaq tăng 75 điểm (1,2%).
Tại châu Âu, căng thẳng gia tăng giữa chính phủ Tây Ban Nha và những người ly khai ở khu vực Catalonia đã làm nản lòng các thị trường châu Âu trong suốt tuần. Chỉ số chính của Tây Ban Nha, IBEX 35, đã giảm tồi tệ nhất trong vòng 2 tháng. Trái phiếu chính phủ Tây Ban Nhà bị bán mạnh. Các cổ phiếu ngân hàng sụt mạnh sau khi các nhà đầu tư quan ngại về các ngân hàng chủ chốt có trụ sở tại Catalonia. Banco de Sabadell xác nhận trong một hồ sơ pháp lý vào cuối tuần rằng họ sẽ di chuyển trụ sở chính của nó ra khỏi Catalonia, đến Alicante. Một ngân hàng khác, CaixaBank, cũng đang xem xét việc tìm trụ sở mới.
Các nhà phân tích cho biết tương lai của phong trào độc lập vẫn còn chưa chắc chắn, Catalonia sẽ không thể trở thành một nước độc lập trong tương lai gần. Phong trào độc lập không được công nhận bởi cộng đồng quốc tế, và quan trọng nhất là Liên minh châu Âu. Cuối cùng, ông nói, cả hai bên có khả năng đàm phán một giải pháp mà sẽ cung cấp cho Catalonia nhiều quyền tự chủ hơn.
Tuy nhiên đối với các nước còn lại trong khu vực thì căng thẳng tại Tây Ban Nha cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến chứng khoán châu Âu. Chỉ số STOXX 600 của Châu Âu chỉ giảm 0,6 điểm. Trong khi đó chỉ số DAX 30 của Đức tăng 105 điểm (0,8%), chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 27 điểm (0,5%) và FTSE 100 của Anh tăng 150 điểm (2%).
Chứng khoán Nhật Bản trong tuần qua đã có những phiên tăng điểm tốt mặc dù khối lượng giao dịch ảm đạm. Chỉ số Nikkei 225 tăng 334 điểm (1,6%) và đóng cửa ở mức 20,690.71. Tính đầu năm đến nay, chỉ số Nikkei tăng 8,3%, chỉ số TOPIX Index đã tăng 11,1%, và TOPIX Small Index đã tăng 19,2%. Đồng Yên giảm và đóng cửa gần mức 113 yên / đô la Mỹ.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng Index đã có một tuần giao dịch ấn tượng khi tăng 547 điểm (1,9%). Nguyên nhân được cho là hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh vào tháng 9, cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh để làm sạch hệ thống tài chính của đất nước đang được triển khai tích cực.