Kích tín dụng – nên nhớ bài học cũ

Để phấn đấu đạt tăng trưởng GDP vào các quí cuối năm 2017, Chính phủ đã “bật đèn xanh” để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng khoảng 21-22%.

Tính đến cuối tháng 9/2017 tín dụng đã tăng 11,02%, như vậy room còn lại khoảng 10%. So dư nợ 5,5 triệu tỷ cuối năm 2016 thì việc tiếp tục bơm tiền từ kênh tín dụng 10% cho nền kinh tế sẽ tăng thêm khoảng 550 ngàn tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia cảnh báo cần rất thận trọng khi kích thích tăng trưởng GDP bằng kích thích tăng nhanh tín dụng. Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm này và vì những bài học cũ mà việc tăng tín dụng đã làm kinh tế Việt Nam trả giá đắt cho rủi ro lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô. Những bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ký ức siêu lạm phát

Những năm thập niên 80 là thời kỳ siêu lạm phát (1986-1989). Có năm chỉ số CPI trên 800%. Phát kiến “sai lầm” trong việc in tiền thực hiện bù giá vào lương gây ra lạm phát phi mã, NHNN lúc đó buộc phải đẩy lãi suất huy động lên 9-12%/tháng để hút tiền về (tương đương khoảng 108-144%/năm).

Kết quả, giảm lạm phát nhưng gây ra hệ lụy khoảng 68 ngàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phá sản, trên 60 vạn lao động mất việc làm…

Ở thời kỳ đó, Việt Nam nâng mặt bằng giá lên 10 lần, nhưng phần chênh lệch giá vật tư nguyên liệu tăng lên 9 lần được bóc ra chênh lệch đưa hết về ngân sách để chi tiêu, phần DNNN giữ lại chỉ là 1. Đó là căn nguyên làm cho gánh nặng vay nợ của DNNN gia tăng.

Tín dụng ngân hàng chính là rốn đựng cho số thiếu vốn này; Cái giá phải trả về rủi ro lạm phát ở thời kỳ này rõ nhất là người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc gửi là cả con bò đến khi rút ra không mua nổi bát phở.

Những bài học về cái giá phải trả để chống lạm phát của thời kỳ đó đã được rút ra như bất cập trong chính sách quản lý cung cầu hàng hóa, quản lý giá, trong việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) khi chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường… đã giúp Việt Nam tăng trưởng GDP ổn định ở mức khá cao trên 8%/năm cho đến đầu những năm 2000.

Tín dụng tăng nóng – bài học nợ xấu & thanh khoản

Khi nào tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động thì đều có thể coi là có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Cả một giai đoạn từ 2001 – 2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bình quân trên 30%, năm cao kỷ lục là 51,54% (2006), trong khi huy động vốn chỉ trên 20%. Có thể xem đây là thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng nhất của hệ thống ngân hàng. Hệ quả là ngay cuối năm 2007 đầu năm 2008 Việt Nam đã phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu lan ra từ Mỹ, bắt đầu từ tháng 10/2008 đến cuối năm 2010, Việt Nam tập trung ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, lúc này theo quyết định của Chính phủ, NHNN thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm có giá trị tương đương 1 tỷ USD, nghĩa là bơm tiền ra nền kinh tế được gia tăng hơn.

Cộng hưởng của cả hai giai đoạn này đưa đến hệ quả ngay sau đó sang 2011 thì lạm phát bùng trở lại, chỉ số CPI ở mức 18,58%.

Thêm nữa, chính sách tài khóa cũng cùng nhịp mở rộng, hàng ngàn dự án đầu tư ở các cấp được phê duyệt, vốn chưa có nhưng bên trúng thầu cứ đi vay ngân hàng thi công chờ đợi mỏi mòn tiền thanh toán từ túi ngân sách vốn đã eo hẹp.

Kênh tín dụng bùng nổ, dòng tiền làm cho “bóng bóng” bất động sản và chứng khoán gia tăng đến nỗi NHNN phải có Chỉ thị số 03 (2008) chỉ đạo các ngân hàng giảm dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán.

Đến năm 2011, khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành chủ trương thắt chặt cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tiền được hút về mạnh mẽ làm cho “bong bóng xì hơi”, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc sống lay lắt, căn bệnh nợ xấu ngân hàng bùng phát lên đến đỉnh điểm trên 17% (tháng 9/2012) mà đến nay qua 5-6 năm chúng ta vẫn loay hoay về bài toán xử lý nó.

Cũng ở các năm 2011-2012, căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng vọt lên đến đỉnh điểm, lãi suất liên ngân hàng (các ngân hàng cho vay lẫn nhau) lên đến trên 30%/năm nhưng cũng không có tiền để cho nhau cho vay.

Quay về huy động từ nền kinh tế thì buộc các NHTM lách trần lãi suất 14% để có được nguồn vốn duy trì thanh khoản. Cứu thanh khoản đã rất nhiều người làm nghề ngân hàng vướng vào vòng lao lý với tội danh “vi phạm các quy định quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chỉ trong thời gian chưa đầy 5 năm 2007 – 2011, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân căn bản vẫn từ nội tại nền kinh tế và cách thức điều hành đã đưa Việt Nam có tới 4 lần điều chỉnh mục tiêu và cách thức điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, gồm:

Lần 1: từ năm 2007- nửa đầu năm 2008, mục tiêu là kiểm soát lạm phát nên các chính sách kinh tế hướng đến việc thắt chặt. Chính sách chủ đạo chống lạm phát vẫn là CSTT. CSTK gần như chưa đồng nhịp vì chi tiêu Chính phủ (CP) và đầu tư công vẫn gia tăng .

Lần 2: từ cuối năm 2008 đến 2009, mục tiêu lại là chống suy giảm kinh tế, các chính sách tiền tệ & tài khóa cùng nới lỏng, nhưng nghiêng nhiều về sử dụng CSTT bằng việc sử dụng gói hỗ trợ lãi suất 4% như đã nói ở trên, nguồn tiền cũng bơm từ NHNN (CSTT đã làm thay CSTK).

Lần 3: trong khoảng 10 tháng đầu năm 2010, mục tiêu là kiềm chế lạm lạm phát và hỗ trợ đà phục hồi tăng trưởng (mục tiêu lưỡng hệ). CSTT được điều hành thận trọng, CSTK tiếp tục gia tăng đầu tư công.

Lần 4: từ nửa sau của năm 2011 (NQ11) mục tiêu lại là chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. CSTT được sử dụng mạnh mẽ qua tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm; thắt chặt chi tiêu công, đình hoãn các dự án đầu tư.

Điểm lại bài học từ lịch sử những thay đổi về mục tiêu và cách thức điều hành các chính sách vĩ mô của nền kinh tế, trong đó hai chính sách quan trọng là CSTT &CSTK để rút ra một kinh nghiệm sáng giá nhất là cần phải đổi mới nâng cao công tác điều hành nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản, kỹ trị hơn.

Chúng ta không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế trong khi các tế bào của nền kinh tế vẫn đang ốm yếu với các biểu hiện như: khu vực DNNN nhiều dự án thua lỗ nghìn tỷ; khu vực doanh nghiệp dân doanh chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa tình hình tài chính còn hạn chế, quản trị kế hoạch kinh doanh chưa bài bản, thiếu điều kiện gọi vốn… khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chủ yếu sản xuất nông nghiệp nông thôn, sản xuất nuôi trồng còn theo phong trào, chưa gắn kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường nên tình trạng “cứu trợ” cho rớt giá vẫn diễn ra; khu vực có tăng trưởng cao là FDI thì hầu như không vay vốn từ ngân hàng Việt Nam.

Toàn cảnh về chủ thể vay vốn ngân hàng trong nước hầu như còn đang ốm yếu như vậy nếu cứ thúc đẩy bơm tín dụng thì cuối cùng vốn sẽ chảy vào khu vực luôn “ngốn tiền” nhiều nhất là BĐS và chứng khoán. Xin hãy thận trọng đừng để loại “bong bóng” này tái phát, và đừng để lần nữa quốc gia lại đau đầu về nợ xấu ngân hàng.

(Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu, đánh giá của cá nhân tác giả, không phản ánh quan điểm hay định hướng cơ quan mà tác giả đang công tác.)

Tăng trưởng tín dụng khoảng 11,5 trong 8 tháng

Bài viết mới