Trước thông tin The Coffee House sắp tham gia vào trà sữa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Hải Ninh ngày 6/10.
Anh Ninh cho hay, The Coffee House sẽ nhận nhượng quyền thương hiệu trà sữa nổi tiếng của Đài Loan, Ten Ren. The Coffee House sẽ là đơn vị duy nhất sở hữu thương hiệu này tại Việt Nam.
Ten Ren tại Việt Nam sẽ có 3 sản phẩm chính là trà truyền thống, các loại nước uống đóng chai có sẵn và trà sữa. Trà sữa sẽ là sản phẩm chủ lực ban đầu. Sở dĩ trà sữa là sản phẩm chủ lực ban đầu vì từ mô hình The Coffee House, có thể áp dụng về quản lý con người, xây dựng thương hiệu nhanh hơn. Sau khi hiểu khách hàng thì chuỗi sẽ có những bước tiến tiếp theo.
Nguyễn Hải Ninh, CEO The Coffee House. Ảnh: NDH
“Mỗi năm chúng tôi sẽ mở rộng thêm một sản phẩm mới, như bánh hay thứ khác liên quan đến F&B”, Hải Ninh nói với chúng tôi.
Nguyên liệu trà sẽ nhập từ Đài Loan trong thời đầu và sau đó, nếu tìm được trà trong nước đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước.
The Coffee House và Ten Ren sẽ là 2 team hoạt động khác nhau.
Ten Ren là ai?
Ten Ren đã được biết đến như thương hiệu trà top đầu của Đài Loan, top 3 thương hiệu trà sữa có hệ thống cửa hàng lớn nhất. Ten Ren là một trong những nhà sản xuất trà lớn nhất khu vực Đông Á và có lượng khách khổng lồ với hơn 300 triệu ly trà sữa được bán ra hằng năm khắp nơi trên toàn thế giới.
Việt Nam là quốc gia thứ 8 được Ten Ren ưu tiên lựa chọn để phát triển thị trường, bên cạnh các cường quốc như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản… Điều đó cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường nội địa, nơi tuần suất uống trà sữa cao bậc nhất khu vực.
The Coffee House chọn bước tiến tiếp theo là trà sữa. Vì sao?
Theo chia sẻ của Hải Ninh, hệ thống The Coffee House đã hoạt động khá ổn. Bên cạnh đó, Việt Nam có văn hóa uống trà và thị trường trà sữa đang rất tiềm năng. Năm 2017 ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục của thị trường trà sữa với sự bùng nổ của hàng loạt thương hiệu quốc tế như KOI, GongCha, Ding Tea, Royal Tea và Việt Nam như Tocotoco, Bobapop.
Các “ông lớn” ngành F&B cũng đã góp mặt, trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến Golden Gate với thương hiệu Yutang khai trương tháng 7/2017. Theo báo cáo từ Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016. Và điều hấp dẫn nhất là thị trường trà sữa có tốc độ tăng trưởng 20% năm.
“Tôi còn trẻ và mong muốn khám phá thêm nhiều lĩnh vực nữa. Cả công ty đã đi khắp nơi để tìm hiểu về trà vì mình đang trong quá trình tìm hiểu và tìm xem ai có thể giúp mình trong lĩnh vực này. Chúng tôi tìm để học người giỏi nhất. Đài Loan nổi tiếng về trà, rồi Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka cũng rất nổi tiếng về trà.
Văn hóa trà của Đài Loan và Trung Quốc ở chừng mực nào đó cũng đồng điệu với văn hóa của Việt Nam. Nên chúng tôi chọn Đài Loan là điểm đến. Chúng tôi đi từ Nam đến Bắc của Đài Loan và cố gắng tìm những nhân vật nổi tiếng nhất về trà tại Đài Loan. Cuối cùng, chúng tôi gặp Ten Ren”, Hải Ninh kể.
Vì sao The Coffee House chọn Ten Ren mà không phải là thương hiệu khác?
“Một lần đến bảo tàng của Ten Ren và giây phút quyết định chọn Ten Ren không phải ngồi trong văn phòng. Khi chúng tôi đến đó, chúng tôi có cảm giác trà đối với họ giống như tôn giáo vậy. Và tôi nghĩ người nào có đam mê thì họ sẽ tạo ra được điều khác biệt. Đó chỉ là bussiness sense (nhạy cảm trong kinh doanh). Và tôi cảm giác đây chính là đối tác mình cần tìm”, Hải Ninh cho chúng tôi hay.
CEO của The Coffee House nói thêm, Ten Ren hiện đang đứng top đầu về trà tại Đài Loan nhưng lại đậm chất truyền thống, giờ họ đã lên cả sàn chứng khoán của Trung Quốc và Đài Loan. “Nhưng tôi cảm giác họ không thiên về kinh doanh mà chỉ đơn giản là nghệ nhân làm trà thôi. Họ đam mê, làm và bán, không màu mè, không marketing.”
“Thăm bảo tàng xong rồi chúng tôi lên văn phòng chính của họ nói chuyện. Họ ít tiếp khách nước ngoài và đợt đấy cũng may mắn được tiếp xúc với họ. Và chúng tôi cũng mời họ sang Việt Nam. Cuối cùng họ đồng ý sang và tìm hiểu về The Coffee House.
Khi biết rằng The Coffee House trong 3 năm mở được hơn 40 cửa hàng, họ rất ngạc nhiên. Người Đài Loan rất cẩn thận. Hai bên đi qua lại và thấy hợp nhau. Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ hợp tác”.
“Những gì làm xuất phát từ trái tim thì sẽ đến được với trái tim. Khi nói chuyện với họ, chúng tôi chia sẻ ước mơ. Ước mơ đầu tiên của chúng tôi là mang lại những sản phẩm tốt cho người dân Việt Nam. Thứ hai, người Việt Nam muốn làm những gì thực sự tử tế. Khi nói chuyện với họ và họ thấy tin tưởng vì sự chân thành. Họ tin tưởng mình sẽ gìn giữ những giá trị, di sản của họ cũng cẩn thận như họ vậy”, Ninh lý giải.
Gong Cha, Phúc Long, Tiên Hưởng… mỗi chuỗi mới có vài chục cửa hàng, như vậy vẫn còn nhiều dư địa
Ninh đánh giá thị trường trà sữa đang còn rất nhiều tiềm năng và chưa khai thác hết. Phúc Long mới chỉ có hơn 20 cửa hàng, Tiên Hưởng vài chục cửa hàng… như vậy, sẽ còn nhiều đất trống cho những người khác. Và The Coffee House nhận thấy điều này.
Biên lợi nhuận cà phê, trà sữa khác nhau như thế nào?
Theo Nguyễn Hải Ninh, biên lợi nhuận phụ thuộc vào mô hình kinh doanh. Thị trường đủ lớn và khi kinh doanh thì lợi nhuận nhiều hay không là do mình. Vì cũng là cafe mà quán này đông, quán kia lại vắng nên mô hình sẽ là yếu tố quyết định. Về trà, năm nay và năm sau mới là thử nghiệm.
Mặt bằng có phải là một vấn đề đối với việc mở chuỗi?
Theo Ninh thì khi làm việc gì cũng có “vấn đề” và câu chuyện ở đây là xác định làm như thế nào và suy nghĩ cách để làm. Mặt bằng giờ đắt hơn nhiều nhưng luôn có giải pháp.
“Thách thức luôn đi cùng cơ hội. Mình nghĩ đó không là thử thách của riêng mình mà là của tất cả mọi người. Có thử thách mới có cơ hội cho mình. Mình phải nghĩ rằng thị trường ngày càng khó hơn, người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn và mặt bằng ngày càng khó hơn nên cơ hội dành cho bạn nào quản lý tốt, có năng lực thực sự. Câu chuyện ở chỗ mình nhìn đó là cơ hội hay là khó khăn thôi”, Hải Ninh nói.
Riêng ngành F&B, doanh nghiệp quốc tế chưa chắc đã có lợi thế và đó là cơ hội cho người Việt
Theo Ninh, trong ngành F&B có điểm khác biệt. Đó là các doanh nghiệp ngoại chưa chắc đã hiểu người Việt bằng những người Việt. “Chúng ta sống ở đây và có những cái không diễn tả được bằng lời nhưng khi hình dung lại mới biết cái này là cái đúng. Tự dưng chúng ta xây dựng thành thói quen, đôi khi là không logic cả về mặt thông tin”, Hải Ninh nhận định.
Hải Ninh đưa ra ví dụ rằng nếu giờ The Coffee House sang Đài Loan mở quán cà phê thì chắc chắn phải cần rất nhiều thời gian để hiểu được thị hiếu của khách hàng.